Ở Tiểu Sa Sào, có một cụ già tên là Trương Hành Tam, ông là người cương trực, nghĩa hiệp. Bởi thế người ta gọi ông là Biệt Cổ, ông vốn kiếm sống bằng nghề kiếm củi. Nay tuổi đã cao, không gánh được củi, người ta giao cho ông xem mặt cân, tiền lãi họ chia đều. Được thế cũng vì xưa nay ông là người tốt. Một hôm, đang thảnh thơi rỗi rãi, chẳng có việc gì làm, tự nhiên ông nghĩ: "Cách đây ba năm Triệu Đại người Đông Tháp Oa còn nợ mình một gánh củi bốn trăm đồng. Nếu mình không đòi thì có lỗi với bạn bè. Tuy họ không nghi cho mình tiêu đi, song mình vẫn cứ áy náy. Hôm nay rỗi rãi sao ta không đi đòi". Thế rồi ông đóng cửa chống gậy, tới Đông Tháp Oa. Tới cửa nhà Triệu Đại, thấy nhà cửa mới làm sáng choang, ông không dám gõ cửa. Hỏi một người hàng xóm mới biết Triệu Đại phát tài, bây giờ người ta gọi là ngài Triệu Đại. Thấy thế ông già chợt không vui, nghĩ bụng: "Thằng Triệu Đại cứ hở ra là đánh xoáy ngay cả tiền củi cũng không muốn trả, làm sao mà nó phát tài nhanh thế". Tới nhà, ông lấy gậy gõ cửa, gọi: - Triệu Đại! Triệu Đại! Trong nhà có tiếng thưa: - Ai gọi Triệu Đại đấy? Nói xong, cửa mở. Trương Tam thấy Triệu Đại quần áo mới tinh, hoàn toàn khác trước. Gặp Trương Tam, Triệu Đại nói ngay. - Tôi tưởng ai, hóa ra là anh Trương Tam. - Thôi, không anh anh em em gì cả. - Trương Tam nói. - Anh còn nợ tiền củi của tôi thì trả tôi. - Sao mà vội thế, em mời ông anh vào nhà chơi đã. - Tôi không mang tiền, - Trương Tam nói, - tôi không vào. - Anh nói gì thế. - Triệu Đại nói. - Tôi nói thật đấy. - Trương Tam nói. - Nếu tôi có tiền, thì tôi chẳng tới nhà anh đòi nợ. Đang nói thì thấy một người đàn bà từ trong ra, ăn mặc quái gở, hỏi: - Anh nói chuyện với ai thế? Trương Tam vừa trông thấy nói: - Triệu Đại, giỏi thật, anh làm cái nghề này, trách nào mà chẳng phát tài. - Đừng có nói bậy. - Triệu Đại nói. - Đây là vợ bé của em đấy. Rồi Triệu Đại lại nói với người đàn bà: - Đây không phải là người ngoài, mà là anh Trương Tam tới chơi Người đàn bà ra chào hỏi Trương Tam nói: - Xin thứ lỗi, tôi đau lòng không cúi chào lại được. - Anh vẫn cứ khách khí, - Triệu Đại nói, - xin mời anh vào trong nhà chơi. Trương Tam đành theo vào. Trong nhà thấy chậu xếp hết hàng này đến hàng khác, nhiều vô kể, hai người mời nhau ngồi. Triệu Đại gọi vợ pha trà. Trương Tam nói: - Tôi không khát, hãy trả tôi bốn trăm đồng, đừng cù cưa nữa. - Xin anh Tam cứ yên tâm. - Triệu Đại nới. - Tôi đời nào lại quịt anh. Nói xong, Triệu Đại lấy bốn trăm đồng đưa cho Trương Tam. Trương Tam cầm tiền bỏ vào túi, đứng dậy nói: - Không phải là tôi tham rẻ đâu, tôi tuổi đã cao, đêm thường hay dậy, anh hãy để cho tôi một chiếc chậu nhỏ, anh trừ đi số tiền lẻ anh còn nợ ấy. Hai bên thanh toán cho dứt đi. - Tội gì mà anh cứ ăn nước giếng. - Triệu Đại nói. - Những chậu này đều lựa kĩ rồi, không rò rỉ, anh cứ lấy một chiếc về mà dùng. Trương Tam chọn một chiếc chậu màu đen ôm vào lòng cũng chẳng chào hỏi gì, ra khỏi cửa. Đông Tháp Oa, cách Tiểu Sao Sào ba dặm, Trương Tam rất bất bình, đang lúc cuối thu, mặt trời còn trên đỉnh núi, ông đi tới giữa rừng, những trận gió thu ào ào thổi, lá vàng rơi lả tả. Bỗng nhiên thấy một cơn lốc xoáy tít, lạnh đến gai người. Ông già rụt cổ lại, khom người xuống, vừa kêu lên "Lạnh quá!" thì bất ngờ chiếc chậu ôm trong lòng rơi xuống đất, lăn lộc cà lộc cộc rồi văng vẳng thấy tiếng kêu bi ai: - Lưng tôi đau quá! Trương Tam nghe thấy, nhổ liền mấy bãi nước bọt, ôm lấy chậu đi tiếp. Người đã có tuổi chạy làm sao được. Nhưng đằng sau có tiếng người nói: - Bác Trương! Chờ cháu với! Quay lại nhìn, không thấy ai, bụng bảo dạ: "Đúng là thời thế suy vi quỷ nhát người. Đời ta không làm việc gì hổ thẹn lương tâm, sao mà ban ngày ban mặt lại gặp ma. Có lẽ ta chẳng còn sống được bao lâu nữa". Vừa đi vừa nghĩ, chật vật lắm mới về tới nhà ông vội vàng đặt chậu xuống, để chiếc gậy tre sang một bên, rồi mở khóa, chống gậy mang chậu vào nhà, chống cửa lên. Cảm thấy người mệt mỏi, bải hoải, nói một mình: "Mặc ma với quỷ, đánh một giấc cho khỏe người". Vừa nói xong, thì nghe thấy tiếng kêu ai oán: - Bác ơi bác, cháu chết thê thảm lắm! Thấy thế Trương Tam nghĩ: "Sao thế nhỉ! Ta lại đem nhốt ma trong nhà". Biệt Cổ vốn trung trực ngay thẳng, không sợ ma quỷ, nói: - Ngươi cứ nói đi ta nghe đây. Ông nghe thấy tiếng nói thầm thì: - Cháu là Lưu Thế Xương, sống tại làng Bát Bảo, ngoài thành Tô Châu. Mẹ là Chu thị, vợ là Vương thị, có đứa con ba tuổi tên là Bách Tuế. Con sinh sống bằng nghề buôn vải đoạn. Vì cưỡi lừa về nhà, hành lí rất nặng, tối hôm ấy nghỉ qua đêm nhà Triệu Đại. Không ngờ vợ chồng hắn độc ác, giết con, chiếm đoạt của cải, máu thịt con hắn trộn với đất thiêu cháy. Đến nay con chết đi để lại mẹ già, vợ con, không bao giờ được gặp mặt nữa. Hồn con nơi chín suối không lúc nào yên. Xin bác tới Bao Công minh oan cho con, để rửa mối thù này. Oan hồn con ở nơi chín suối vô cùng biết ơn bác. Nói xong gào lên khóc nức nở. Trương Tam nghe anh ta khóc thật đáng thương, bất giác động chạm tới lòng hào hiệp, ông chẳng biết sợ là gì, gọi: - Chậu Đen! Rồi nghe thấy: - Dạ, bác ơi cháu đây. - Ta sẽ minh oan cho cháu. -Trương Tam nói. - Nhưng chỉ sợ Bao Công không nhận đơn, cháu phải đi với ta. Chậu Đen vâng lời ngay, nói: - Cháu sẽ đi với bác. Thấy nó bằng lòng, Trương Tam rất vui mừng, nghĩ: "Lần đi tố cáo này, không sợ Bao Công không tin. Tuy nói thế, song ta tuổi đã cao trí nhớ kém, nên ta phải học thuộc họ tên và nơi ở". Thế rồi ông đọc đi đọc lại cho thật thuộc. Ông già rất nhiệt tình, suốt đêm không sao chợp mắt được, trời chưa sáng ông đã dậy, cắp chậu, khóa cửa chống gậy, tới huyện Định Viễn. Khi ra khỏi cửa, gió rét thấu xương, khí lạnh ảm vào người, trời lại tối đen như mực, nếu không tốt bụng như Trương Tam, thì rét cắt da cắt thịt như thế ai mà chịu đi kêu oan cho. Tới huyện Định Viễn, trời còn quá sớm, công đường chưa mở cửa. Ông rét run cầm cập, tìm chỗ tránh gió, ngồi bệt xuống đất, thở một lát thấy người dễ chịu, ông già hứng chí lên úp chậu xuống đất, lấy gậy tre gõ vào đáy, hát bài "Mười việc không nhàn". Vừa hát tới câu "Rằm tháng tám trăng vằng vặc sáng", thì nghe thấy tiếng cửa mở. Bao Công lên công đường. Trương Tam vội ôm chậu, quỳ xuống kêu oan. Người trực vào bẩm, rồi dẫn ông vào. Bao Công hỏi: - Ngươi có oan gì hãy nói ngay. Trương Tam kể lại chuyện đi đòi nợ Triệu Đại ở Đông Tháp Oa, được một chiếc chậu đen, gặp oan hồn thuật lại nỗi oan ức của mình, "hiện có chiếc chậu đen làm chứng". Nghe xong, Bao Công không cho việc ấy là nói bừa, bèn gọi: - Chậu Đen! Chậu Đen! Không thấy trả lời. Lại gọi liền mấy tiếng nữa, cũng cứ lặng im. Thấy Biệt Cổ già cả lẩm cẩm, Bao Công cũng không nổi giận, bảo lính hầu đuổi ông ra ngoài. Ra khỏi nha môn, lão Trương gọi: - Chậu Đen! Ông nghe thấy tiếng đáp lại: - Bác ơi, cháu đây. - Ngươi theo ta kêu oan, - lão Trương nói, - sao ngươi không vào? - Vì thần coi cửa không cho vào, - Chậu Đen nói, - oan hồn không dám vào. Xin bác nói giúp cho cháu. Nghe xong, lão Trương kêu oan. Người gác cổng ra quát: - Ông già này vẫn chưa đi, còn đứng đấy mà kêu à? - Xin ông nói cho tôi một tiếng, - lão Trương nói, - Chậu Đen bị thần coi cửa không cho vào, nên không dám vào. Người gác cổng không còn cách nào, đành phải vào thưa giúp ông. Bao Công thấy thế viết một tờ giấy, bảo người gác cổng ra cửa đốt đi, rồi cho ông già vào, xét hỏi lần nữa. Lão Trương ôm chậu vào công đường, đặt chậu xuống đất, quỳ sang một bên. Bao Công hỏi: - Lần này có bảo nó trả lời không? Lão Trương nói có ạ. Bao Công bảo mọi người: - Các người chú ý nghe nhé! Những người xung quanh lắng tai nghe Bao Công gọi: - Châu Đen! Vẫn không thấy trả lời. Bao Công bỗng nổi giận, đập bàn quát: - Lão già này! Ta nghĩ ngươi già cả mới không phạt ngươi. Bây giờ mà như thế, chẳng hóa ra ngươi coi ta là kẻ ngu đần ư! Thế rồi ông lệnh đánh lão Trương mười gậy để răn đe sau này. Lính hầu chẳng cho ông phân trần, đánh lão Trương mười gậy. Lão Trương nghiến răng chịu đựng, tập tễnh ôm chậu cầm gậy ra khỏi công đường. Ra tới bức bình phong, ông già lẳng chiếc chậu xuống. Bỗng nghe thấy tiếng kêu: - Ối! ối! Chẹo chân cháu rồi. - Kì lạ thật lão Trương nói, - Sao cháu không vào? - Vì cháu trần truồng, không dám gặp ngài. Không còn cách nào khác, xin bác hãy nói rõ cho cháu. - Ta vì cháu mà đã bị đánh mười gậy rồi, - lão Trương nói, - nếu bây giờ lại vào thì ta sẽ bị đánh nhừ đòn. Chậu Đen cứ khẩn thiết van nài. Lão Trương mủi lòng, đành mang chậu vào. Ông không dám kêu oan, đành lẻn vào qua cửa ngách. Thấy một người đầu bếp bước ra, chợt nhìn thấy ông kêu lên: - Hồ Đầu Nhi! Hồ Đầu Nhi! Lão già này lại vào. Hồ Đầu Nhi đang bàn tán cười nói về chuyện này, bỗng nghe thấy ông già lại tới, vội chạy ra lôi ông lại. Lão Trương đã định sẵn, bèn ngồi lì xuống đất kêu oan. Bao Công nghe thấy, bảo giải ông vào, hỏi: - Vì sao ông còn vào đây? Ông không sợ đánh ư? - Vừa rồi trở ra, con lại hỏi Chậu Đen, - lão Trương cúi đầu nói, - nó nói rằng người nó trần truồng, không dám gặp ngài. Xin ngài cho nó một bộ quần áo che thân, nó mới dám vào. Thấy thế Bao Công bảo Bao Hưng lấy cho nó bộ quần áo. Bao Hưng lấy một chiếc áo dài, đưa cho lão Trương. Lão Trương cầm áo đi ra. Người gác cổng nói: - Hãy dìu ông ấy, thấy ông ấy đi tập tễnh. Lão Trương bọc lấy chiếc chậu, ôm lên lo lắng bảo: - Chậu Đen, theo ta. Nghe thấy tiếng đáp lại: - Vâng, bác đi, cháu ở đây. Lão Trương nghe thấy tiếng trả lời, lúc ấy mới yên tâm, luôn miệng bảo nó vào. Tới công đường, lão Trương để chiếc chậu ở giữa còn mình quỳ sang một bên. Bao Công lại bảo mọi người lắng tai nghe. Mọi người đáp: - Vâng ạ? Đó là do lệnh trên sai khiến, chứ không phải do mình. Có người cho rằng ông già mắc bệnh điên; có người cho rằng Bao Công dễ tính, cũng có người cười thầm. Ngay cả Bao Hưng cũng bất giác cười thầm cho là: "Hôm nay Bao Công bị gã điên làm phiền". Bao Công ngồi bên trên quát: - Chậu Đen! Không ngờ chiếc chậu bọc trong áo thưa: - Dạ, thưa ngài! Mọi người thấy rất lạ. Thấy Chậu Đen thưa, lão Trương bỗng nhảy lên suýt nữa đâm sầm vào bàn Bao Công. Mọi người quát lên, ông mới quỳ xuống. Bao Công hỏi kĩ lão Trương. Hình như lão Trương đã thuộc, nói thao thao bất tuyệt rất rõ ràng: họ tên là gì, nhà ở đâu, có những ai, làm gì, vì sao bị giết, kẻ nào giết... Những người xung quanh, ai ai cũng thương xót. Nghe xong, Bao Công bảo Bao Hưng lấy mười lạng bạc thưởng cho lão Trương, rồi cho ông về. Biệt Cổ vô cùng cám ơn rồi ra về. Bao Công lập tức bảo thư lại lập văn bản gửi tới Tô Châu, báo cho người thân tới nghe kết án. Sau đó lệnh bắt vợ chồng Triệu Đại xét hỏi và lấy khẩu cung. Bao Công trầm ngâm hồi lâu, rồi bảo: - Cho Triệu Đại ra ngoài, không cho hắn gặp Điêu thị. Thế rồi họ giải Điêu thị tới công đường, Bao Công nói: - Chồng ngươi đã khai: việc hãm hại Lưu Thế Xương hoàn toàn là do ngươi. Nghe thấy thế Điêu thị nổi giận, bèn bảo là Triệu Đại thắt cổ Lưu Thế Xương. Hiện nay bạc lấy được vẫn chưa dùng hết. Bao Công lập tức ghi lời khai và bắt Điêu thị điểm chỉ vào. Sau đó ông sai người thu tang vật. Gọi Triệu Đại vào đối chất với vợ hắn. Ai ngờ hắn rất ngoan cố, khăng khăng không nhận. Hắn nói rằng số bạc ấy là do hắn tích góp trước. Bao Công phút thốc nổi giận, gọi mang dụng cụ tra tấn ra, dùng kẹp lớn kẹp vào hai đùi hắn, hắn vẫn không khai. Bao Công hô lên một tiếng dứt khoát: - Kẹp! Triệu Đại không chịu được. Ôi thôi! Hắn đã về chầu trời. Thấy Triệu Đại chết, Bao Công đành bảo mọi người khiêng hắn ra ngoài. Rồi lập tức viết tờ trình gửi lên phủ, chuyển tờ trình ấy về kinh đô. Lúc ấy thân nhân của Lưu Thế Xương tới. Bao Công giao hết số bạc còn lại cho mẹ vợ và vợ Lưu Thế Xương, đồng thời hóa giá toàn bộ tài sản của Triệu Đại giao cho mẹ và vợ Thế Xương nuôi nhau. Mẹ con nghĩ tới công ơn lão Trương đã minh oan cho con mình, muốn mời ông tới Tô Châu chăm sóc ông đến trọn đời. Được oan hồn nhờ cậy và cũng muốn chiếu cố đến mẹ con góa bụa cô quả, lão Trương đã vui lòng cùng họ tới Tô Châu.