Bành Hưng sợ quá run như cầy sấy, nhìn bọn kia ùa tới. Bỗng từ ngoài bước vào một người ra dáng chững chạc, mặt mũi ngay ngắn, mình cao tám thước, da mặt, hai mày hơi cau, đôi mắt có hồn, đầu tóc đoan trang, mồm vuông, quanh mép lún phún râu, mình mặc áo la hán hai vạt màu xanh nhạt để hở vạt áo trong màu xanh đậm, tất trắng, giày bằng đoạn màu xanh, oai phong lẫm liệt, tuy ăn vận nho nhã nhưng lại có oai của kẻ nghĩa hiệp; theo sau chừng hơn mười gia nhân. Trương Hoằng thấy người này thì hồn bay phách tán bởi người vừa đi đến là một anh hùng nổi tiếng ở Kinh Đông, nhà ở Lý Tân Trang huyện Tam Hà, họ Lý tên Thất Hầu, biệt hiệu Bạch Mã Lý Thất Hầu, một hào kiệt trong chốn lục lâm, hành hiệp trượng nghĩa, chuyên trừ quan lại tham nhũng và bọn ác bá, thích làm việc nghĩa, thương con côi gái góa, lấy tiền bạc của kẻ bất nghĩa chu cấp cho nhà khốn cùng, bởi vậy nổi tiếng khắp năm tỉnh miền Bắc. Có ông ta thì huyện Tam Hà thực là không người nhặt của rơi, đêm ngủ khỏi đóng cửa. Hôm nay theo lời hẹn với Vũ Thất Thái Tử đến chơi hội, thấy Trương Hoằng đang nói những lời khó nghe với Bành Công, bất giác nổi giận: - Thằng nhãi Trương Hoằng kia, ngươi lại dám làm chuyện thương thiên hại lý ư? Từ lâu ta đã nghe những việc phạm pháp của ngươi! Nói xong, bước tới tát luôn giữa mặt Trương Hoằng, khiến hắn ta sợ quá vội cười nịnh: - Bẩm ông Bảy, tiểu nhân đâu dám làm bậy. Chị ta bảo tiểu nhân chen lấn nhưng tiểu nhân có chen đâu, thế mà ông này còn răn đe. Hắn chỉ tay vào Bành Công. Lý Thất Hầu nói: - Tiên sinh bất tất phải ngăn đứa tiểu nhân này, đã có tôi dạy bảo chúng. - Hắn định trói tôi, may tôn giá vừa đến kịp. Xin cho biết quí tính cao danh. - Bành Công nói. Lý Thất Hầu xưng tên họ xong, Bành Công dẫn Bành Hưng lui ra một bên, thiếu phụ cũng bỏ đi. Trương Hoằng không dám đi còn bọn thủ hạ đã hoảng sợ tẩu tán từ nãy. Lý Thất Hầu bảo: - Này thằng nhãi Trương Hoằng, từ nay ngươi phải sửa đổi lỗi lầm. Ta tha cho tính mạng ngươi, nếu ta còn gặp lần nữa, ắt giết không tha. Thôi ta đi đây! - Nói xong dẫn bọn gia nhân bỏ đi. Bành Công và Bành Hưng đứng bên thấy thế, nghĩ thầm: "Lý Thất Hầu quả là người tốt!". Chợt nghe người chơi hội đi đằng sau nói: - Hôm nay Trương Hoằng gặp phải người đối đầu rồi! Ông Bảy thật là người thích vơ chuyện không đâu vào người, chuyên giết quan tham, diệt trừ ác bá, chỉ có điều, những việc làm của em trai ông ta là Lý Bát Hầu khiến cho huyện Tam Hà chẳng được yên thì ông Bảy lại chẳng quản nổi. Lại còn tên gia nhân Khổng Lượng nữa, thằng này quấy đảo càng hung, thật là thằng đầy tớ gian ác. Bành Công nghe họ nói thì ghi nhớ trong lòng nghĩ bụng: “Nay ta đã là quan, phải trừ hại cho dân, làm địa phương được trong sạch, bắt hết ác bá, côn đồ". Nghĩ xong cùng Bành Hưng đi thẳng về huyện Tam Hà. Ngày hôm đầu, hai thầy trò ở trong quán trọ. Sáng hôm sau trở dậy, chủ tớ đến huyện nha, đã có nha lại ra đón tiếp. Bành Công nhận ấn xong, viên điển sử và bả tổng tới vái chào. Điển sử họ Lưu tên Chính Khang, vốn xuất thân từ đề lại; bả tổng họ Thường, tên Vạn Niên xuất thân cửa nhân võ. Bành Công chào hỏi lại, cùng các quan chức trong huyện đi lễ nhà thánh miếu. Mọi việc xong xuôi, nhớ lời người dân bàn tán ở chùa Lý Giang, nói rằng Tân Trang họ Lý ở bản huyện có ác bá Lý Bát Hầu, chuyên làm điều ác, ta phải ngầm thăm dò người này. Có khi hắn là người tốt cũng chưa biết chừng. Tục ngữ nói rất đúng: "Mắt xem việc ấy còn nghi giả, Lời nói bên tai chẳng ắt tin". Ngày hôm sau, Bành Công mặc áo quần thường dân, đem theo Bành Hưng ra khỏi nha môn. Gần đến Lý Tân Trang, ông dặn Bành Hưng: - Ta đóng giả thầy bói đến nhà tên Lý Bát Hầu, ngươi ở quanh đây hỏi dò tin tức. Nếu tới lúc mặt trời lặn mà không thấy ta ra, ngươi phải về ngay nha môn để quân lính đến bắt tên giặc ấy. Bành Hưng vâng dạ. Bành Công đi thẳng vào trong trang, chỉ thấy thôn trang này lại có hẳn một nơi có thể dạo chơi: Suối nhỏ quanh rừng biếc, Nhà tranh mấy mái hiên. Kề suối cửa phên nhỏ, Bờ khe đường đá xiên. Thông già rễ xoắn xuýt, Tre xanh mấy khóm nghiêng. Tiếng chó gà ngõ thẳm, Bò dê nằm cát êm. Một thôn nhiều non nước, Mười mẫu mây khói chen. Hương thu xem hoa lúa, Tiếng xuân cùng tiếng chim. Liễu đào lệnh rũ cửa, Dưa thiệu bình vườn xen. Ngòi đông câu được cá, Làng tây rượu nợ tiền. Nhà nông cùng bạn suối, Bên dâu, gai hàn huyên. Bành Công xem xong phong cảnh, bước thẳng vào thôn. Nghĩ thầm: "Lý Bát Hầu phải là một người giàu có, mình phải vào tận nơi xem xét cho chính xác". Thế là tay gõ thẻ tre bước về phía trước. Chỉ thấy phía bắc đường có cánh cổng lớn, hai bên có hơn mười cây dương liễu rủ bóng. Trong cổng có chiếc ghế lớn, một người đứng giữa cổng. Người này mình cao chín thước tay khỏe lưng tròn, mày rậm mắt to, mặt gân guốc, mồm vuông vắn nhưng không có râu, mình mặc áo quần màu lam, tất trắng, giày đoạn đen, tay cầm quạt lông ngỗng, phía sau có hai thằng nhỏ đứng hầu. Nhìn rõ rồi, Bành Công liền rao: - Một bút như nhát dao, mở núi Côn Sơn chia ngọc, đá. Hai mắt như tia chớp, xem tường Thương Hải tách cá, rồng. Xem vận mệnh trong năm, xét số phận suốt đời đây! Người đứng trước cổng chính là Lý Bát Hầu. Hắn đang buồn bực trong lòng, thấy ông thầy bói bèn nghĩ: "Sao ta không mời hắn vào xem cho ta năm nay thế nào, vận số ra sao nhỉ?". Liền gọi: - Đồng nhi ra gọi ông thầy bói vào cho ta. Tên hầu nhỏ nói: - Xin ông Tám vào nhà đã, chúng con đi gọi đây! Nói rồi ra cổng gọi: - Ông thầy bói ơi, chủ chúng tôi mời ông vào nhà. Bành Công hỏi: - Quý tính chủ người là gì? Bọn nhỏ nói: - Chủ nhân chúng tôi họ Lý, tên là Bát Hầu. Ông xem cho tốt còn thưởng tiền cho ông đấy! Bành Công biết đó chính là tên ác bá bèn theo bọn nhỏ vào cổng, thấy ba gian phía đông là phòng cho người coi cổng, ba gian phía tây là phòng tiếp khách. Chính bắc có một bức tường quét vôi trắng, chính giữa là cửa đi vào bên trong gồm bốn cánh. Vào qua cửa ấy, trong sân hoa cỏ đưa hương. Chính bắc có năm gian, ba gian xép về phía đông, ba gian thư phòng có dựng rạp. Dưới bậc thềm hướng chính bắc đặt một bàn để đàn, bên trên để ấm chén uống trà; sau bàn là chiếc ghế thái sư trên đó là người vừa đứng ngoài cổng ngồi chễm chệ. Bành Công nhìn xong, nói: - Xin kính chào trang chủ, Thập Đậu Tam(1) tôi xin có lễ. (1) Thập Đậu Tam: ba chữ này hợp lại thành chữ Bành. (ND) Lý Bát Hầu nói: - Ngồi đi! Ông xem tôi nguyệt lệnh cao thấp, vận số thế nào? Bành Công thầm nghĩ: "Ta nên nhân dịp này khuyên can hắn, xem tâm địa hắn ra sao". Nghĩ thế rồi nói: - Trang chủ mình thủy, tướng mạo đẹp lắm. Sách xem tướng có mấy câu rằng: "Mình mộc thì gầy, mình kim vuông vắn, mình thủy béo tốt, mình thổ thì lưng như mai rùa, còn phía trán mà rộng mở thì đó là mình hỏa. Tướng mạo theo ngũ hành mà suy ra cho kỹ". Theo tướng mạo của trang chủ thì hồi nhỏ vận không được tốt, cha mẹ mất sớm, chỉ nhờ vả anh em. Lông mày đậm nét nên tính tình hơi khó hòa. Phàm việc gì làm trong đời đều không nghe lời khuyên. Trung niên vận số bình thường nhưng lúc này ấn đường có màu đen, hẳn là nhằm vào việc mắc mớ với cửa quan. Xin ngài giữ gìn cẩn thận thì phúc mới được dài lâu, nếu không, e rằng vạ lớn xảy ra, hối thì đã muộn. Lý Bát Hầu nghe nói vậy thì không vui. Bỗng có người tới bên cạnh, ghé sát tai nói mấy câu gì đó. Lý Bát Hầu trợn mắt lên. Người ấy là gia nhân của Lý Bát Hầu, họ Khổng tên Lượng, biệt hiệu người ta đặt cho là Bạch Nhởn Lang(1) Hán chuyên cậy thế chủ đổi trắng thay đen, gian dâm cướp bóc, không việc xấu nào là không làm, nào cướp đàn bà con gái trẻ, chiếm đoạt nhà cửa ruộng nương, bắt nạt người lương thiện. Hôm nay thấy chủ mời ông thầy bói vào nhà. Ông thầy nói năng nho nhã, cử chỉ đoan trang khiến hắn phải suy nghĩ. Lại nghe ông ta xưng tên họ là Thập Đậu Tam, hắn ngờ ông thầy chính là tri huyện mới đến nhận chức vi hành hỏi thăm. Những việc mà hắn cùng Lý Bát Hầu làm đều là thương thiên hại lý, bất nghĩa dối người nên hắn cũng có phần sợ hãi. Hắn bèn nói với Lý Bát Hầu: (1) Bạch Nhởn Lang: sói mắt trắng dã. (ND) - Xin ông Tám vào nhà trong, nô tài có chuyện muốn nói. Lý Bát Hầu đứng dậy, vào tới nhà trong liền hỏi: - Khổng Lượng, người muốn nói gì với ta thế? Khổng Lượng nói: - Thưa ông Tám, vừa nãy ông cho gọi thầy tướng này vào để xem tướng số. Ông ta có lai lịch đấy. Nguyên là tri huyện mới tới nhậm chức họ Bành tên Bằng từ Kinh đô về đây. Hôm ấy con ở huyện nha nhìn thấy ông ta đi lễ thánh miếu, rất giống người này. Nếu ông ta đến nhà thì việc làm của ông con mình e rằng không hay. Theo ý con, ông con mình nên xét hỏi lai lịch của hắn, không thể để cho hắn đi thoát được. Lý Bát Hầu nói: - Ta biết rồi! Nói rồi quay trở lại nhà ngoài, hỏi: - Tiên sinh, ông là người ở đâu? Họ tên là gì? Bành Công nói: - Tôi họ Thập tên Đậu Tam, hiệu là Song Nguyệt, người ở kinh đô. Lý Bát Hầu nói: - Tôi xem ông dường như giống tri huyện Bành Bằng mới tới nhận chức, ông đến đây để dò la. Ông hãy nói thật đi, tôi sẽ thả ông về mọi sự đều xong. Còn nếu ông không nói thực, tôi sẽ khảo đả buộc ông phải khai đấy! Bành Công nói: - Trang chủ, ngài không nên làm như thế. Tôi đúng là thầy tướng giang hồ, không phải đến dò la. Lý Bát Hầu nói: - Chữ Thập bên dưới có chữ Đậu, thân ba nét ở bên cạnh là chữ Bành. Hai chữ Nguyệt ghép vào với nhau chính là chữ Bằng. Ông còn nói gì được nữa? Nghe đến đây, Bành Công giật nảy người, nói: - Trang chủ, xin ngài chớ đa nghi. Tôi thực sự là thầy tướng mà! Lý Bát Hầu bảo gia nhân: - Trói hắn lại cho ta! Bọn gia nhân không dám trái lời chủ, bảo thầy tướng: - Ông không nói thực, chúng tôi đành trói ông vậy! Tên nô tài độc ác Khổng Lượng nói: - Cứ trói lại, không cần phải nói nhiều. Bọn chúng liền trói chặt Bành Công. Lý Bát Hầu ra lệnh: - Đem treo nó lên trong chuồng ngựa, tra hỏi kỹ cho ta! Bọn gia nhân điệu Bành Công đến sân phía tây, treo ông lên trong chuồng ngựa. Lý Bát Hầu ngồi trên ghế gần đó, trước mặt kê chiếc bàn bát tiên. Gia nhân đứng thành hai hàng. Khổng Lượng tay cầm roi mây nói: - Ngươi mau khai thực đi, tránh cho da thịt bị đánh đòn đau đấy! Bành Công bị trói, treo trong chuồng ngựa, vừa nghe tên ác nô Khổng Lượng nói như thế thì nghĩ thầm: "Ta vừa mới đến nhậm chức, trước hết đến hỏi thăm tên ác bá này mà nó đã làm dữ. Thôi ta cứ nói thật, xem bọn giặc này dám làm gì ta! Ta lập chí trừ ác an dân, diệt bọn gian tà ác bá!". Nghĩ rồi, nói: - Này bọn nhỏ, ta chính là Bành lão gia, quan chính đương huyện Tam Hà đấy! Các người dám làm gì ta nào? Khổng Lượng nghe nói, kinh hãi vô cùng. Lý Bát Hầu ngồi ngoài chuồng ngựa cũng sợ run khắp người, thầm nghĩ: "Vụ làm loạn này không nhỏ đây. Ông ta là tri huyện mới nhận chức, là quan phụ mẫu của nơi này. Giết quan cũng là làm phản. Ta trói ông ta, đúng là bắt hổ dễ, thả hổ khó, ta không biết làm thế nào đây!". Nghĩ rồi, nói: - Các con, trước hết hãy cho tên quan chó má này đứng xuống, đem giam ở gian phòng phía tây khu nhà trên phía bắc, đợi đến lúc canh ba, ta đến kết liễu tính mạng nó là xong. Nói rồi đứng lên, trở ra nhà phía trước, gọi hai tên hầu nhỏ là Tam Đa và Cửu Như, bảo chúng xuống bếp sửa soạn mâm rượu. Tam Đa vâng lời đứng lên, xuống bếp lấy món nhắm bày sẵn. Lý Bát Hầu tự uống rượu một mình, thầm nghĩ việc này tiến thoái lưỡng nan, không biết nên thu xếp như thế nào cho ổn thỏa, chỉ đành uống rượu. Đúng là tục ngữ nói rất hay: "Ngày dài tựa năm, nhàn mới thấy; việc lớn như trời, rượu cũng thôi". Đang lúc hồ nghi thì gia nhân là Khổng Lượng ở bên ngoài nghĩ: “Việc làm vừa rồi là phạm tới quan, tội danh ấy không nhỏ. Trước hết ta hãy vào nói đúng với tâm tư của chủ, kết liễu tính mạng viên quan chó chết này đi để tránh mối lo về sau”. Nghĩ xong, vào thư phòng, thấy Lý Bát Hầu bèn nói: - Thưa trang chủ, việc hôm nay nên thu xếp ra sao? Lý Bát Hầu nói: - Ta chẳng còn biết quyết định ra sao nữa. Khổng Lượng nói: - Theo ý kiến nô tài, bắt hổ dễ thả hổ khó. Thế nào cũng phải kết liễu tính mạng của hắn để tránh mối lo về sau mới là kế vẹn toàn. Lý Bát Hầu nói: - Ngươi mở cái tay nải của hắn ra xem bên trong có gì. Khám cả người hắn nữa, xem có giấy tờ gì không. Khổng Lượng trước hết khám người Bành Công, sau đó đi một lúc, trở về nói: - Con đã khám rồi, trên người không có giấy tờ gì. Con lại mở tay nải thì trong đó chỉ có mấy cuốn Vạn niên thư, Hiệp ký biện phương, Đoán Dịch đại toàn chứ không có thứ gì khác. Trang chủ cứ nên giết cho sớm, đừng để Thất lão gia biết. Nếu Thất lão gia biết thì lúc ấy không xong đâu! Lý Bát Hầu vốn là người không có chủ ý, nghe Khổng Lượng nói thế, lại thêm có men rượu bèn bảo: - Lượng nhi, ngươi nói không sai. Ta cũng đang có ý ấy. Ngươi ra ngoài xem trời, xem đã đến lúc nào rồi, vào bảo cho ta biết. Khổng Lượng ra ngoài nhìn trời, vào nói: - Đã tới lúc định canh rồi(1). (1) Định canh: lúc bắt đầu vào canh một, tức khoảng tám giờ tối. (ND) Bát Hầu nói: - Đợi thêm lúc nữa hãy hay. Hắn tự uống thêm mấy chén rượu nữa cho thêm bạo gan. Đúng như câu nói: "Giận bốc lên từ tim, Gan sinh ra cái ác". Uống rồi gọi: - Các con ơi, mang thanh Quỷ đầu đao đến đây cho ta! Gia nhân dạ rân, vào nhà sau mang Quỉ đầu đao tới. Bát Hầu lại gọi: - Các con ơi, theo ta đến phòng phía bắc sân đằng tây, giết luôn tên quan chó má đó đi cho xong! Đám gia nhân đi theo sau, thẳng tới sân đằng tây, thắp đuốc và đèn lồng lên, thắp cả đuốc nhựa thông nữa, soi sáng cả sân như ban ngày. Trước đó đã có gia nhân lên phòng trên, đưa Bành Công bị trói ra, vứt xuống trước mặt Lý Bát Hầu. Bành Công lớn tiếng chửi mắng: - Thằng nghịch tặc kia, ngươi dám giết quan ngay tại nhà à? Mày trên thì là giặc của bố mẹ, giữa là giặc của vợ, dưới là giặc của con, chung thân là giặc, tên tuổi bị chửi rủa đến ngàn đời. Nếu ngươi bị quan huyện là ta đây bắt được thì ta sẽ san phẳng mộ ba đời, trừ họa cho đến chín họ. Lão gia tuy chết cũng là vì nước tận trung, mày muốn giết muốn xẻo cũng cho mày tha hồ! Nghe Bành Công chửi mắng như thế, Lý Bát Hầu cả giận nói: - Đồ cẩu quan, trang chủ ta đây có làm điều gì xấu đâu mà mới vừa nhận chức ngươi đã vi hành dò la? Cũng là số mày đáng được như thế. Thiên đường có lối sao mày không đi; địa ngục không có cửa, sao hôm nay mày cứ bước vào? Nói xong, giơ đao lên nhằm vào cổ Bành Công toan chém xuống. Bỗng gia nhân ở ngoài nhà coi cổng là Lý Trung hốt hoảng chạy vào nói: - Bẩm trang chủ, hiện có quan Điển sử huyện Tam Hà là Lưu lão gia đến thăm, đang ở ngoài cổng, trang chủ có cho gặp hay không ạ? Lý Bát Hầu nghe thấy thế, thầm nghĩ: "Tay Lưu Điển sử đến vào lúc này cũng lạ đây!". Lưu Điển sử vì sao lại đến đây? Trong việc này có nguyên do của nó. Đó là Bành Hưng chờ Bành Công ở ngoài thôn, tới lúc mặt trời đã lặn về tây mà vẫn không thấy Bành Công ra. Đang sốt ruột thấy phía đông có ông già đang đi tới, tuổi chừng ngoài bảy mươi, thần sắc phóng khoáng, tư thế hiên ngang. Bành Hưng đi tới, nói: - Kính chào cụ, xin hỏi quí trang tên là gì? Chủ nhà giàu này tên họ là gì? Ông già đáp: - Thôn trang của chúng tôi đây là Đại Đạo Lý Tân Trang. Chủ nhà giàu kia họ Lý, chính là Bạch Mã Lý Thất Hầu nổi tiếng ở tám huyện miền Đông. Bác tìm ai? Bành Hưng nghe nói nghĩ thầm: "Lão gia nhà ta trên đường đi nghe người ta kháo rằng Lý Bát Hầu là tên ác bá, vì thế vừa tới nhận chức đã vi hành dò la. Đến giờ này mà lão gia còn chưa ra, phải chăng trong đó đã xảy ra biến cố gì rồi? Chi bằng ta trở về huyện nha báo tin là việc cần kíp nhất". Nghĩ xong, Bành Hưng quay người đi luôn, về thẳng nha môn huyện Tam Hà. Vừa vào tới nha môn, những sai dịch ở đấy đều chào: - Bành nhị gia về rồi à? Ông đi đâu đấy. Cũng chẳng lấy một con ngựa mà cưỡi! Bành Hưng đáp: - Không có việc cho các anh đâu! Các anh gọi mấy người trực nhật tới phòng canh cổng, tôi có chuyện muốn nói. Bọn sai dịch đều đáp: "Vâng ạ!". Biểu hiện ra phòng canh cổng ngồi sẵn, người công sai trực nhật theo nha dịch bước vào hỏi: - Nhị gia, ông gọi chúng tôi có việc gì? Xin ông cứ nói. Bành Hưng nói: - Các anh hãy đi mời gấp Tứ lão gia và Thường lão gia đến đây, tôi có việc cần kíp muốn bẩm. Người đầu mục trực nhật nhận lời đi ngay. Chẳng bao lâu, Lưu lão gia đến. Bành Hưng mời vào ngồi trong hoa sảnh. Một lát sau, Thường lão gia cũng đến. Vị coi doanh lính giữ thành này tên là Thường Hằng, vốn xuất thân cử nhân về võ, bốn mươi tuổi, hiện giữ chức Bả tổng doanh Thủ thành; tính tình cương trục, cánh tay có sức mạnh. Từ khi nhận chức đến nay, ông ta để tâm bắt giữ kẻ xấu. Nay người của quan huyện có lời mời, vội vàng mang theo tùy tòng tới huyện nha. Tới nơi đã thấy Lưu lão gia có ở đấy rồi. Hai người chào hỏi nhau xong, đồng thanh hỏi: - Huyện chủ bây giờ ở đâu? Bành Hưng không dám giấu, kể lại tình hình Bành Công vi hành đến Đại Đạo Lý Tân Trang cho hai người nghe. Lưu Điển sử vừa nghe đã hoảng lên: - Việc này không hay rồi! Nếu quả có việc này thì huyện chủ gặp tốt xấu ra sao, chúng ta biết làm thế nào? Thường Hằng hỏi: - Nhân huynh, việc này nên xử trí ra sao đây? Lưu Điển sử đáp: - Lý Thất Hầu là người quang minh chính đại, trong huyện Tam Hà chưa hề phạm pháp. Nhưng người em ruột là Lý Bát Hầu thì gian trá trăm điều, người ta đều nể mặt Lý Thất Hầu mà không chấp đó thôi. Việc hôm nay chỉ có cách là điều quân lính đến tróc nã Lý Bát Hầu mới xong. Thường Bả tổng nói: - Lời bàn của nhân huynh rất hay. Việc này theo ý tôi, nên báo cho Bạch Mã Lý Thất Hầu. Ông ấy là người khẳng khái, nghĩa hiệp, những việc đã làm đều trên thì hợp với lẽ trời, dưới thì thuận với lòng người. Nếu huyện chủ hôm nay gặp được ông ấy ở nhà thì chắc chắn không kẻ nào dám mưu hại, thế nào cũng được họ cung kính. Nếu ông ấy vắng nhà, thì Lý Bát Hầu không khi nào chịu yên phận. Nay bỗng nhiên ta điều quân lính đến, e không tránh khỏi vội vàng. Chúng ta chỉ nên điều một trăm quân, lại thêm một trăm nha dịch. Tôi trước hết đóng ở đầu thôn chờ nhân huynh. Còn ông đem theo mấy người tùy tòng trước hết hãy đến thăm nhà đã. Nếu Lý Thất Hầu đi vắng, ông dùng lời dẫn dụ để hắn nói ra sự thực. Nếu hắn chưa làm hại huyện chủ, ông có thể tùy cơ ứng biến. Nếu hắn không tuân lệnh, ông sai người báo tin cho tôi, tôi đem quân đến bắt hắn là xong. Lưu Điển sử nói: - Hay lắm! Ta cứ thế mà làm. Hai người bàn xong, điểm quân lính, ai nấy cầm theo đèn lồng và đuốc rồi hai vị quan lên ngựa ra khỏi huyện nha Tam Hà.