Vào chuyện: Thế sự ngày nay thật rối bời, Sống phải khôn ngoan mới thảnh thơi. Ngẫm ra, nước mất nhà tan nát, Đều chỉ vì, tham ngọc tiếc hoa. Vào năm Minh Đạo nguyên niên, thời Tống Nhân Tông, phía bắc cầu Thành Chúng An gần chùa Quan âm, quận Ninh Hải, lộ Triết Giang (tức Hàng Châu ngày nay), có một thương gia tên là Kiều Tuấn, tự Ngạn Kiệt, quê cha đất tổ ở Tiền Đường. Cha mẹ mất sớm, Kiều Tuấn là người khôi ngô tuấn tú nhưng lại hiếu sắc tham dâm. Vợ là Cao thị, đã bốn mươi tuổi mà vẫn không có con trai, chỉ có người con gái mười tám tuổi, tên là Ngọc Tú. Nhà có ba người, và một đứa ở tên là Trại Nhi. Kiều Tuấn có bốn năm vạn quan tiền, chuyên đi mua tơ lụa ở Trường An, Sùng Đức đưa về Đông Kinh bán, rồi buôn táo hồ đào, tạp hóa về nhà bán. Một năm có tới sáu tháng vắng nhà Kiều Tuấn có một quán rượu, nhưng giao hết cho Trại Nhi, chỉ thuê một người làm công tên là Hồng Tam, chuyên ở nhà cất rượu. Vợ cao thị hằng ngày trông coi việc xuất nhập tiền nong. Mùa xuân năm Minh Đạo thứ hai, khi đã bán xong tơ lụa ở Đông Kinh, Kiều Tuấn mua hồ đào, táo mang về, thuyền tới bến sông Thượng Tân, Nam Kinh, thì gặp gió to, phải nằm kẹt ở đó ba ngày không sao đi được. Đang đứng bên thuyền của mình, Kiều Tuấn nhìn thấy thuyền bên có một người đàn bà đẹp da trắng như tuyết, tóc xanh như mây, Kiều Tuấn nhìn thấy mê tít, bèn hỏi dò người chân sào: - Thuyền của anh có người khách nào đấy. Vì sao lại có cả quan thi ở đó nữa? - Chu Tuần Kiểm, phủ Kiến Khang mắc bệnh chết, nay gia đình đưa linh cữu về Sơn Đông, người đàn bà trẻ ấy là thiếp hầu của ông ấy. Ông hỏi người đàn bà ấy làm gì? - Ông bạn ạ! - Kiều Tuấn nói. - Ông hỏi giúp tôi phu nhân Tuần Kiểm nếu muốn gả người thiếp ấy cho tôi, tôi sẽ tình nguyện đưa cho bà nhiều tiền của lễ vật để lấy người ấy làm thiếp. Ông thu xếp xong việc, tôi sẽ tạ ơn ông năm lạng bạc. Người chân sào bèn vào khoang thuyền, hỏi phu nhân già: - Thưa phu nhân, cô gái trẻ đằng trước, bà có muốn gả cho người khác không? Thấy hỏi thế, phu nhân bằng lòng gả ngay người đàn bà trẻ ấy cho Kiều Tuấn làm thiếp, khiến cho: Cả nhà đều chết hết. Vạn quan tiền mất toi Hai má như mồi thơm Lông mày, lưỡi câu sắc Câu Ngô Vương một lần Mà nhà tan cửa nát. Phu nhân già nói với người chân sào: - Ngươi có nói với người lái buôn ấy được không? Nếu có ai lấy cô ấy thì ta bằng lòng gả, chỉ cần đưa cho ta một ngàn quan là xong. - Thuyền bên có một người khách buôn táo, muốn lấy Nhị Nương Tử, nên có ý bảo tôi nói với phu nhân. Phu nhân bằng lòng. Người chân sào trở lại nói với Kiều Tuấn: - Phu nhân đã bằng lòng gả cho ông rồi. Thấy nói thế Kiều Tuấn rất mừng, mở ngay hòm lấy ra một ngàn quan tiền giao cho người chân sào đưa cho phu nhân. Phu nhân nhận tiền rồi bảo người chân sào mời Kiều Tuấn sang gặp. Kiều Tuấn thay quần áo, sang thuyền chào phu nhân. Phu nhân hỏi quê quán, họ tên, rồi gọi thị thiếp tới bảo: - Tướng Công đã qua đời, đứa con của ta lại rất ghê gớm, ta gả cô cho ông này làm thiếp, bây giờ cô hãy sang thuyền bên, tới Đại Mã Đầu, quận Ninh Hải sống. Cô phải hết lòng hầu..hạ ông ấy, đừng thoái thác! Người đàn bà và Kiều Tuấn chào từ biệt phu nhân già. Phu nhân cho người đàn bà ấy mang quần áo đồ đạc của mình sang thuyền Kiều Tuấn. Kiều Tuấn lấy ra năm lạng bạc đưa cho người chân sào. Kiều Tuấn rất đỗi vui mừng, hỏi người đàn bà: - Em tên gì? - Em là Xuân Hương, hai mươi lăm tuổi. Đêm ấy trên thuyền, Kiều Tuấn cùng nàng chung chăn gối. Hôm sau trời quang mây tạnh, tất cả thuyền bè đều giương buồm lên đường. Kiều Tuấn đi sáu bảy ngày mới tới Bắc Tân Quan, ép thuyền lên bờ, gọi một chiếc kiệu cho Xuân Hương về Vũ Lâm Môn, tới cổng thì họ xuống kiệu. Kiều Tuấn dẫn Xuân Hương về nhà, vào trước gặp Cao thị báo cho Cao thị biết chuyện, rồi trở ra đón Xuân Hương vào gặp Cao thị. Thấy Xuân Hương, Cao thị nói ngay: - Anh đã lấy cô ấy về tôi không dám ngăn cản, song anh phải nghe theo tôi hai điều thì tôi mới tha cho anh. - Em hãy nói đi, - Kiều Tuấn nói, - hai điều ấy là gì? Cao thị nói thẳng với Kiều Tuấn là: có nhà khó ở, có nước khó về! Đúng là: Lụn bại tại vì sa quán rượu Tai ương là bởi có tình nhân, Trai tài có ý mê người đẹp, Gái sắc hững hờ gã trai quê, Sao anh đã vội nghe lời vợ, Phân cửa chia nhà hại lắm thay. Không nghe lời vợ làm việc lớn, Nam nhi như thế được mấy người. Lúc ấy Cao thị nói với chồng: - Nay anh đã lấy vợ về thì anh dẫn cô ấy đi nơi khác mà ở, không cho anh để cô ấy ở cái nhà này. - Được thôi, - Kiều Tuấn nói, - tôi sẽ đi thuê nhà khác ở với cô ấy. - Từ hôm nay trở đi, - Cao thị nói, - tôi không ở với anh nữa. Tiền, đồ đạc, trang sức, quần áo trong nhà là của mẹ con tôi không cho phép anh mang đi. Anh có nghe không? Kiều Tuấn trầm ngâm hồi lâu, nghĩ bụng: "Nếu không theo thì khó mà sống được. Thôi thì nghe theo cho yên chuyện", rồi nói: - Anh theo lời em. Cao thị im lặng. Sáng sớm hôm sau Kiều Tuấn dỡ hàng và hành lý về nhà rồi nhờ người thuê một ngôi nhà ở Cục Tiền Đồng, nay là Cống Viện. Kiều Tuấn chọn ngày tốt, kiểm lại hàng, dọn đến nhà mới, rồi cứ hai ba ngày lại về nhà cũ một lần. Thời gian thấm thoát thoi đưa, mới thoáng qua mà đã nửa năm, Kiều Tuấn mua tơ xong, chuẩn bị ít gạo củi để ở nhà, nói với Chu thị: - Em ráng ở nhà một mình, anh đi độ vài tháng thì về. Nếu có việc gì cần kíp thì hãy về nhà nói cho chị cả biết. Sau đó Kiều Tuấn về nói với vợ cả Cao thị: - Ngày mai anh đi, nhiều lắm cũng chỉ độ hai tháng thì về. Nếu có việc gì xẩy ra, em hãy để ý đến Chu thị, để giữ thể diện cho vợ chồng mình. Con gái nói: - Cha đi rồi thu xếp mà về cho sớm nhé. Kiều Tuấn từ biệt vợ con, trở về thu xếp chuẩn bị mai lên đường. Lúc Kiều Tuấn xuống thuyền đi Đông Kinh đã là tháng Chín. Biền biệt hai tháng trời, Chu thị ở nhà vò võ một mình, suốt ngày tựa cửa ngóng trông mà chẳng thấy chồng về. Mùa đông đã tới. Năm ấy trời rất lạnh, rồi bỗng một buổi chiều mây đen ùn ùn kéo đến, bầu trời tối sầm lại, rồi tuyết rơi dữ dội. Cao thị ở nhà lo lắng: "Chồng mình ra đi đã tới mùa đông rồi mà sao vẫn không về", rồi nói với con gái: - Chu thị ở nhà rét mướt mà Trại Nhi lại ốm nặng không đến được. Rồi Cao thị bảo Hồng Tam đưa gạo, củi, than, tiền cho Chu thị. Thấy tuyết xuống nhiều, Chu thị đóng cửa ngồi khóc một mình, bỗng thấy tiếng gõ cửa, cứ ngỡ rằng chồng về, vội vã ra mở cửa, thấy Hồng Tam gánh các thứ tới. Chu thị nói: - Anh Hồng Tam, lâu nay Đại Nương và Đại Thư có khỏe không? - Đại Nương thấy ông chưa về, nghĩ rằng bà thiếu tiền chi dùng, nên bảo tôi mang củi, gạo và tiền tới cho bà. Thấy thế Chu thị nói: - Hồng Tam, về cho tôi gửi lời cám ơn Đại Nương và Đại Thư nhé! Hồng Tam chào từ biệt Chu thị trở về. Trưa hôm sau lại thấy tiếng gõ cửa, Chu thị nghĩ: "Trời tuyết to thế này không biết ai gọi cửa". Chính vì người này mà sau đó Chu thị không thể sống chung với Kiều Tuấn. Hôm ấy tuyết rơi mỗi lúc một to. Chu thị đang ngồi trong phòng sưởi ấm, thấy có tiếng gõ cửa, đứng dậy nhìn ra thì thấy một người chít khăn rách, mặc áo cũ, hỏi Chu thị: - Bà ơi, ông Kiều Tuấn có nhà không? - Ông nhà tôi đi từ tháng chín tới nay vẫn chưa về. - Chu thị trả lời - Tôi là lý trưởng tới gọi Kiều Tuấn đến Hải Ninh đắp đê, cứ làm mười ngày lại nghỉ hai mươi ngày, ông ấy không ở nhà thì tôi tìm giúp cho ông bà một người, bà trả công cho họ. - Thế thì nhờ ông tìm giúp, tôi sẽ trả công. - Chu thị nói. Lý trưởng chào Chu thị ra về. Hôm sau ăn cơm xong lý trưởng dẫn tới một chàng trai trạc hai mươi tuổi tới gặp Chu thị. Lí trưởng nói: - Anh này người huyện Thượng Hải, tên là Đồng Tiểu Nhị. Cha mẹ mất sớm, nay đi làm thuê sống qua ngày. Mỗi năm chỉ cần bà trả bốn năm quan tiền, mùa đông, mùa hạ may cho anh ta vài bộ quần áo. Tôi thấy nhà bà neo người, có thể thuê anh ấy làm việc nhà, không ngại gì đâu. Thấy lý trưởng nói thế Chu thị rất mừng, nói: - Đúng là nhà tôi không có người làm thật. Thấy người ấy hiền lành, lương thiện bèn cám ơn lý trưởng, nhận thuê người ấy làm việc ngay tại nhà. Sáng hôm sau lý trưởng đến gọi đi phu. Chu thị đưa cho ít tiền, rồi Tiểu Nhị theo lý trưởng đi làm mười ngày mới về. Tiểu Nhị ở nhà cần cù siêng năng nhóm bếp, quét nhà, việc gì cũng chịu thương chịu khó. Kiều Tuấn ở Đông Kinh bán tơ, thường đi lại với Thẩm Thụy Liên, một gái làng chơi có tiếng, rồi ở ngay nhà cô ăn chơi tiêu xài. Anh ta chỉ luyến hoa tiếc liễu mải mê vui thú, hoàn toàn bỏ mặc vợ con ở nhà. Đâu có biết Trại Nhi ở nhà ốm đau đã chết hơn một tháng, Cao thị bảo Hồng Tam mua sắm quan tài, đưa ra bãi hỏa táng ngoại thành hỏa thiêu. Cao thị vốn là người trinh tiết, tuy bán rượu ở cửa hàng nhưng chẳng chút tà tâm. Không ngờ, từ khi Chu thị cho Đồng Tiểu Nhị ở tại nhà, lại gian díu với anh ta, mỗi lần đi phu trở về, thường mang cơm nóng canh sốt cho Tiểu Nhị ăn. Tiểu Nhị thấy không có ai ở nhà càng cần mẫn siêng năng. Chu thị thường đầu mày cuối mắt khơi gợi. Tiểu Nhị cũng có tình ý nhưng không dám gần. Một hôm, đúng vào đêm ba mươi tháng Chạp, Chu thị bảo Tiểu Nhị mua ít rượu, thịt, cá, hoa quả về ăn tết. Đến tối Chu Thị bảo Tiểu Nhị đóng cổng, vào bếp hâm rượu, thái thịt làm cỗ đặt lò sưởi, đốt đèn, bày mâm trên chiếc giường trong phòng. Tiểu Nhị ngồi dưới bếp đốt lửa. Chu thị khe khẽ gọi: - Tiểu Nhị, hãy vào phòng ăn cơm uống rượu: Tiểu Nhị ngượng ngùng bước vào, dường như Tiểu Nhị đang đi vào chỗ chết. Đúng là: Chỉ vì rượu gái cùng tiền của, Chôn vùi sự nghiệp đấng nam nhi. Trong nhà không thể không kẻ ở Ngờ đâu gặp phải bọn côn đồ. Rõ ràng chuyên xẩy ra kì quặc, Thế mà che mắt đấng trượng phu. Lúc ấy Chu thị gọi Tiểu Nhị vào giường, nói: - Tiểu Nhị, lại đây, lại đây! Tôi và anh uống vài chén rượu. Hôm nay chúng ta là vợ chồng có được không? - Tôi không dám! - Tiểu Nhị đáp. Chu thị trách: - Đồ ngốc! Thế rồi Chu thị bế Tiểu Nhị lên giường, ngồi sát vào Tiểu Nhị rồi ôm chầm vào lòng, cởi thắt lưng bảo Tiểu Nhị sờ vào đôi vú trắng ngần. Hồn vía Tiểu Nhị phiêu diêu bồng bềnh, ôm ghì lấy khuôn mặt Chu thị, thè lưỡi sang mồm Chu thị vô cùng khoái lạc Chu thị rót rượu, hai người nâng cốc, uống chung năm sáu chén. Chu thị nói: - Anh ngủ ở ngoài, em ngủ trong phòng, giá lạnh chịu sao nổi. Không nghe theo lời em, anh thật là ngốc nghếch. Tiểu Nhị quỳ xuống nói: - Cảm ơn Nương Tử đã có lòng, kẻ hèn mọn này đã có tình ý từ lâu rồi, nhưng không dám nói ra. Nay được Nương Tử nâng đỡ, ơn ấy có đổi mạng sống cũng không đền đáp nổi. Hai người nói xong cởi áo quần sống như vợ chồng. Một đêm mây mưa khoái lạc, không cần phải kể. Sáng dậy Tiểu Nhị đun nước, rửa bát, nấu cơm, Chu thị dậy trang điểm rửa mặt rồi ăn cơm. Đúng là: Nam thanh nữ tú, Gái sắc trai tài. Họ sống với nhau như vợ chồng. Hàng xóm láng giềng đều biết, song chẳng ai để ý tới chuyện không đâu. Vì không có người bán rượu, Cao thị phải đứng bán rượu ngoài cửa hàng. Bỗng một hôm nghe thấy người ta nói, Chu thị thông dâm với Tiểu Nhị, Cao thị rất sốt ruột, cho Hồng Tam tới bảo Chu thị dọn về nhà để hai bên đỡ tốn kém. Được tin, Chu thị nhờ Hồng Tam về cảm ơn lòng tốt của Đại Nương, và hứa sẽ dọn đồ đạc về nhà ngay tối nay. Hồng Tam ra về. Chu thị bèn gọi Tiểu Nhị tới bàn: - Hôm nay Đại Nương bảo ta về nhà thì anh sẽ như thế nào bây giờ? - Thưa bà, bà lớn ở nhà không có người, con xin tình nguyện tới đó bán rượu cho bà lớn. Có điều là không được vui thú cùng bà. Đôi ta bỗng dưng phải xa nhau. Nói xong hai người ôm nhau khóc. Chu thị nói: - Anh hãy yên tâm. Tôi thu xếp đồ đạc quần áo, anh gánh giúp tôi về chỗ bà lớn. Tôi sẽ nói với bà lớn giữ anh lại, rồi chúng ta lén lút vui thú với nhau, chờ cho chồng tôi về sẽ liệu kế sau. Tiểu Nhị thấy thế vui vẻ trả lời: - Xin trông chờ vào sự cố gắng của bà. Chiều hôm ấy Tiểu Nhị thu xếp gánh đồ đạc đến nhà bà lớn. Đến chiều Hồng Tam mang đèn lồng tới đón Chu thị. Chu thị lấy khóa khóa cổng, cùng với Tiểu Nhị về nhà. Thiêu thân lao vào đĩa đèn chết, Dơi vấp phải sào mạng cũng toi. Làm người xin đừng ai giả dối, Ngẩng lên ba thước thấy thánh thần. Nếu như kẻ ác không báo ứng, Thiên hạ côn đồ giết lẫn nhau. Tiểu Nhị, Chu thị về nhà gặp Cao thị. Cao thị nói: - Nay cô đã về đây ở, tại sao không đuổi Tiểu Nhị đi mà còn dẫn nó về. - Trước mắt Đại Nương không có người sai bảo, thôi thì cứ lưu nó lại để sai vặt, đến khi anh Kiều Tuấn về đuổi nó đi cũng chưa muộn. Cao thị là một người trong trắng, nghĩ bụng: "Ở nhà ta trực tiếp trông coi thì họ gian díu với nhau làm sao được". bèn cho Tiểu Nhị ở lại trông coi cửa hàng, cất rượu, cần gì là có người sai bảo ngay. Không ngờ mấy tháng trời, Chu thị tuy có tình ý với Tiểu Nhị nhưng không thể tự do hành lạc như khi ở một mình. Một hôm Chu thị thấy Đại Nương khen Tiểu Nhị cần mẫn siêng năng, lại biết giữ bổn phận, Chu thị bèn chớp lấy thời cơ nói: - Sao Đại Nương không gả Đại Thư cho Tiểu Nhị có được không? Nghe thấy thế Đại Nương nổi giận chửi: - Ngươi là đồ hèn, không có chí khí! Chả lẽ con gái ta lại lấy đứa làm thuê ư? Chu thị bị Đại Nương chửi ba bốn ngày mà vẫn không dám nói năng gì. Đại Nương chỉ biết mình quang minh chính đại mà hoàn toàn không cho rằng Chu thị đã thông dâm với Tiểu Nhị, nên Chu thị muốn Cao thị gả con gái cho hắn ta. Nếu Cao thị nghĩ ra trước điều này đuổi Tiểu Nhị đi thì sao này không đến nỗi tan cửa nát nhà, mình và con cũng không phải chết trong tù ngục. Người xưa nói: "Một năm là đứa ở, hai năm trở thành ông, ba năm thành cụ”. Không ngờ Kiều Tuấn đi biền biệt mãi không về. Tiểu Nhị ở nhà Đại Nương đã hơn một năm, mọi việc trong nhà đều dựa vào Tiểu Nhị và trở thành chủ nhà, ức hiếp Hồng Tam. Mỗi khi gặp Ngọc Tú, Tiểu Nhị thường hay trêu ghẹo, rồi một hôm, không ngờ Tiểu Nhị gian dâm với Ngọc Tú. Việc này Chu thị biết nhưng vẫn giấu Đại Nương. Dạo ấy vào tháng sáu, trời nóng nực oi bức, Ngọc Tú tắm trong phòng, Đại Nương bước vào, thấy vú con gái to, chợt giật mình. Chờ cho con gái tắm xong, Đại Nương gọi vào nhà hỏi: - Mày đã bị đứa nào trêu ghẹo mà vú to như thế? Hãy nói thực thì ta tha cho. Ngọc Tú không thể chối cãi được, đành nói thật: - Con đã bị Tiểu Nhị lừa. Cao thị giậm chân kêu trời: - Việc này hoàn toàn do Chu thị chỉ lối đưa đường, làm hại con gái ta, biết thế nào đây? Định làm to chuyện, nhưng lại sợ chuyện vỡ lở, con mình sẽ khổ một đời. Cao thị chau mày ngẫm nghĩ hồi lâu: "Phải giết thằng khốn nạn này thì người ta mới không biết được". Hai tháng sau, hôm ấy đúng vào dịp tết Trung thu, Cao thị bảo Tiểu Nhị mua cá, thịt, hoa quả làm cỗ. Đêm ấy, Cao thị, Chu thị và Ngọc Tú thưởng trăng ở vườn sau, bảo Hồng Tam và Tiểu Nhị ăn riêng chỗ khác. Vào canh ba, Cao thị gọi Tiểu Nhị thưởng cho hai bát rượu. Tiểu Nhị không dám chối từ uống một hơi cạn hết, không ngờ say quá ngã gục. Hồng Tam uống rượu xong, một mình về phòng ngủ. Tiểu Nhị vì say rượu, trúng kế Cao thị, đêm ấy quả là: Dương gian vừa biến mất một người. Đông Nhạc lại thêm oan hồn mới. Lúc ấy Cao thị giục con gái đi ngủ, rồi nói với Chu thị: - Ta chỉ quan tâm tới việc buôn bán trong nhà, nào ngờ ngươi lại thông dâm với thằng khốn nạn ấy. Các ngươi đều cùng một giuộc, ngươi đã cố ý bảo nó gian dâm với con gái ta. Ông ấy mà về thì ăn nói sao đây? Ta là một người trong trắng, nay gọi ngươi về ngươi lại làm nhục gia phong nhà ta, phải làm thế nào đây? Không còn cách nào khác, bây giờ ta và ngươi phải giết tên khốn kiếp ấy, chẳng thần thánh ma quỷ nào biết được. Nếu ông ấy về, ngươi và con gái ta cũng sẽ tránh được tiếng xấu xa, mọi người đều vô sự. Ngươi hãy tìm cho ta một chiếc thùng. Lúc đầu Chu thị không nghe, bị Cao thị chửi: - Chính vì người thông dâm với thằng đê tiện ấy nên đã làm hại con gái ta, bởi thế ngươi vẫn còn luyến tiếc nó! Chu thị bị chửi như tát nước vào mặt, đành vào phòng lấy ra một chiếc thùng gai đưa cho Đại Nương. Đại Nương cầm lấy thắt cổ Tiểu Nhị. Đàn bà vốn yếu chân mềm tay, thắt hàng giờ đồng hồ mà không chết. Tiểu Nhị kêu lên. Đang lúc khẩn cấp, không có gì trong tay, Cao thị bảo Chu thị vào bếp lấy ngay chiếc búa bổ củi bổ vào đầu Tiểu Nhị, óc phọt ra chết giẫy đành đạch. Cao thị bàn với Chu thị: - Chết thì chết rồi, nhưng chiếc xác này xử lí thế nào đây? - Hãy gọi Hồng Tam dậy, - Chu thị nói, - buộc một hòn đá to vào xác mang vứt xuống sông Tân Kiều để chiếc xác ấy thối rữa thì chẳng ma quỷ thần thánh nào biết được. Cao thị rất mừng, bèn vào gian nhà cất rượu gọi Hồng Tam tới. Hồng Tam ra vườn sau, thấy xác Tiểu Nhị, nói: - Trừ khử được tai họa này thì tốt quá. Nếu còn để nó ở nhà này ông nhà mà về thì mất mặt. - Nhân lúc trời chưa sáng, - Chu thị nói, - hãy mang chiếc xác này đưa ra sông Tân Kiều, buộc hòn đá to vào và vứt xuống sông. Sáng mai nếu có ai hỏi thì cứ nói là đêm qua Tiểu Nhị đã lấy trộm đồ trang sức rồi trốn đi. Nhà nó lại không có người đến tìm thế là tai họa không còn nữa. Hồng Tam mang chiếc xác đi, Đại Nương soi đèn đưa ra khỏi cửa. Lúc ấy đã vào canh năm, Hồng Tam tới bờ sông, lấy một hòn đá to buộc vào xác chết vứt xuống sông, rồi đẩy ra tận giữa dòng. Sông này chỉ sâu hơn một trượng, chiếc xác chìm xuống đáy, chắc rằng sẽ vĩnh viễn không còn tông tích. Hồng Tam trở về, khe khẽ đóng cổng. Đại Nương và Chu thị vào buồng ngủ. Cao thị tuy tự cho mình là trong sạch, nhưng thiếu chút thông minh, làm hỏng việc này. Nếu như đã biết được việc gian dâm, thì chỉ cần đuổi Tiểu Nhị đi là xong chuyện. Song nay lại thắt cổ Tiểu Nhị chết, sau này bị người ta cáo giác nên đã chết trong ngục, tan cửa nát nhà. Hồng Tam ngủ tới sáng, dậy cất rượu. Đại Nương vẫn đứng trước quầy hàng bán rượu như mọi ngày. Ngọc Tú không thấy Tiểu Nhị, cũng không dám hỏi. Chu thị giả vờ nói: - Thằng Tiểu Nhị là một đứa quá tồi tệ, đêm qua nó đã lấy trộm đồ trang sức rồi trốn đi. Ngọc Tú ở trong phòng cũng chẳng hỏi gì thêm. Những người hàng xóm cũng chẳng để ý gì đến Tiểu Nhị có còn ở nhà Đại Nương hay không. Từ hôm sát hại Tiểu Nhị, Cao thị cứ giật mình thon thót, lúc nào cũng lo lắng buồn rầu, chỉ sợ người ngoài phát hiện ra. Đúng là. Muốn người coi trọng xin gắng học, Sợ người đời biết chớ có làm.