Người trung bị nghi ngờ, người giữ chữ tín bị gièm pha, chuyện ấy xưa nay thường thấy. Chỉ có điều phải trái cuối cùng sẽ phân minh, lâu ngày sẽ sáng tỏ. Người xưa từng nói rằng: Chu Công(1) từng sợ lời bịa đặt, Vương Mãng(2) đề cao kẻ có tài. Nếu như hai người bỗng nhiên chết. Thật giả sau này ai biết cho. (1) Chu Công: Chu Công Đán, sống cuối thời Tây Chu (ND). (2) Vương Mãng: làm vua từ năm 8-23 sau công nguyên (ND). Không ngờ vì trời mà Chu Công không chết, sau khi dời đô về phía đông ba năm ông biết được những người gièm pha, nói rằng ông đã hại Thành Vương, đó là Quản Thúc và Thái Thúc là anh và em ông. Thành Vương cũng không minh oan cho ông, thế là trời bỗng nổi sấm chớp, gió bão cảnh báo Thành Vương, chứng tỏ không có nỗi oan nào là không minh oan. Lại như ngay gần đây thôi, Ngụy Trung Hiền đã dựa vào "Tam án" quây một mẻ lưới sát hại những người hiền lương. Như thế vẫn chưa đủ, hắn "cắt đất nhận hối lộ” vu cho những người chính trực là gian tà, những người thanh liêm là tham lam, người luôn luôn gìn giữ mình thành người gây sự, nên hắn đã đuổi họ về, giết chết và bắt đi làm lính thú, bắt truy hoàn tang vật, không biết bao nhiêu người. Còn có một bọn người khéo tô vẽ, giỏi vơ vét hết lòng xu phụ, lấy bàn tay che mặt trời, khiến những người hiền lương không sao bộc bạch được. Không ngờ đấng quân vương sáng suốt lên ngôi, tất cả sự đen tối đều bị phanh phui ra hết, những người trung nghĩa can đảm cuối cùng đã làm cho thiên hạ bừng sáng. Đây là việc lớn. Còn những việc nhỏ nhặt như sự ngu dốt của quan xử kiện, hoặc là sự việc xảy ra một cách khéo léo trùng khớp y như thật, thì tuy nhất thời còn mù mờ, song sau này không thể không sáng tỏ. Chuyện kể rằng, ở Sử Châu triều đại chúng ta có một viên lại họ Đỗ, người huyện Long Tuyền. Vì bỏ tiền mua chức nên được làm việc tại hình phòng. Trong nhà cũng có dăm ba chục mẫu ruộng, đời sống gia đình tương đối khá giả. Vợ là Vương thị, sinh được đứa con trai, vì thiếu sữa nên thuê người vú nuôi là Kim thị, nhà còn có một đứa ở là A Tài. Ông là người sống yên phận, cả gia đình đều sống trong phủ. Phía tây là công đường, có Phùng ngoại lang là người ở bình phòng, nhà giàu có. Mẹ là Thiệu thị, vợ là Giang thị, đi đâu họ thường đội mũ vàng, cài trâm vàng, khi mời khách thường dùng chén bạc. Hai nhà ở gần nhau, cửa sau nhà Đỗ ngoại lang đối diện với cửa trước nhà Phùng ngoại lang. Hai nhà thường mời nhau uống rượu, trong phủ ai cũng biết họ rất thân nhau. Bởi thế người vú nuôi nhà họ Đỗ hằng ngày thường bế đứa bé sang nhà họ Phùng chơi. Những nhà ở trong phủ đều không rộng rãi, người vú nuôi thường bế đứa bé vào trong phòng chơi. Một hôm nhân ngày sinh nhật một người thân quyến, mời cả nhà Phùng ngoại lang tới dự tiệc mừng. Ngươi vú nuôi hôm ấy cũng sang giúp Giang thị sửa mũ, cài đầu, tiễn chân ra tận cửa. Phùng ngoại lang cho rằng nhà ở trong phủ, nên cũng không cho người ở lại coi nhà, mà khóa cửa đi hết. Ra đường gặp ngay Trương Tam là thư ký của phòng mình, hắn còn trẻ, thích chơi gái và đánh bạc. Trong nhà có một chút vốn liếng, vừa đủ trang trải khi cưới vợ, còn đâu nữa cho anh ta tiêu xài. Ngay cả việc công trong phủ cũng rất ít, công việc thường xuyên đã có một vị lâu năm làm, nếu có thay thế, mà được người ta đút lót cho một vài lạng thì hắn cũng chỉ được một vài đồng thôi số tiền ấy không đủ hắn tiêu một lần. Vợ hắn thường kỳ kèo, song nào hắn có lọt tai. Nay hắn mang tiền đi xem hát, mai hắn rủ người đi chơi núi, hoặc chơi gái, song đó chỉ là chuyện vặt. Điều tai hại nhất là lúc nào hắn cũng chỉ nghĩ tới cờ bạc. Đã vào sòng bạc thì khó mà thắng. Lúc đầu nó cho anh được một vài đồng để nhử anh, sau đó anh phải đánh tiếp. Nếu anh tham mồi bắt bóng, cứ đánh to lên, thế là thua cháy túi. Bọn chủ sòng bạc có nhiều mánh lới khiến anh không sao gỡ nổi, lúc đầu anh bán quần áo, đồ trang sức của vợ, sau đó bán hết cả đồ đạc trong nhà để đi đánh bạc. Hôm nay Trương Tam thua to, định về nhà mình kiếm chút tiền gỡ lại. Hắn vừa tới cửa, thấy hai người đàn bà, một già một trẻ lên kiệu, sau là một người đầu đội mũ, mặc áo the Thanh Hải màu lam, trông rất sang trọng, người ấy là Phùng ngoại lang, thuộc binh phòng, sau cùng là đứa ở Cầm Đồng gánh lễ vật. Trương Tam nghĩ: "Không biết gã chó chết này đi đâu?”. Hắn về phòng, chẳng thấy một ai, ngồi một lúc hắn nghĩ: “Lão Phùng chết tiệt này, trước đây mời mình uống rượu hắn khoe khoang là hắn mua hai bộ chén bạc. Hôm nay cả nhà đi ăn cỗ chắc đến tối mới về. Ta đến nhà gã, nhân lúc không có người khoắng một mẻ, cũng đủ chơi vài ba ngày. Làm việc công được vài đồng thì ra quái gì". Xưa nay người ta lâm vào cảnh đường cùng thì mưu kế sẽ nảy sinh. Người xưa lại nói gần cờ bạc là gần trộm cướp. Đến nơi thấy cửa khóa, hắn ra sức bẻ đến nỗi toạc cả ngón tay, máu chảy ròng ròng. Hắn nghĩ: "Tiền đầu bất lợi", rồi hắn lại nghĩ: “Máu là cửa, thế thì nhất định sẽ gỡ to đây". Hằn gài trái cửa lại rồi đi vào. Máu trên ngón tay chảy ròng ròng. Hắn nhặt được mảnh vải cuộn lại, đi thẳng vào trong nhà, cạy hòm, thấy bên trong có một chiếc mũ đính vàng, bốn chiếc chén bạc, một đôi kim thoa, mấy cành trâm vàng. Hắn moi xuống đáy hòm, thấy một gói bạc nguyên và ít lạng bạc rời. Hắn nhét tất cả vào người. Vì vội vã mảnh vải cuốn tay rơi vào trong hòm mà hắn không hay biết. Hắn cứ thế đi ra. Trộm đã lấy được tiền, Khấp khởi cầm trong tay, Chỉ một điều sơ xuất, Cuối cùng lộ ra ngay. Hắn nghĩ: "Xưa nay ta là một thằng nghèo, lấy đâu ra nhiều của quý như thế, hơn nữa đang vào tháng Sáu, mặc áo đơn lỡ người ta trông thấy thì ê mặt". Hắn rẽ ngay vào trong phòng làm việc, nhân lúc không có ai bèn bỏ những thứ đó vào một hòm đựng giấy tờ mà nhiều năm nay không ai mở, giấu mãi tận đáy hòm rồi đậy những gói văn thư lên trên. Hắn chỉ giắt số bạc vào người, rồi đi khắp nơi chơi bời thỏa thích. Phùng ngoại lang ở nhà ấy uống rượu xem kịch, vì nhà không có ai nên bảo Cầm Đồng về trước trông nhà. Cầm Đồng mải xem, đến hết hồi thứ hai mới về. Tới nhà thấy cửa không còn khóa, đi thẳng vào thấy cửa mở thông thống. Vào trong nhà thì hòm bị mở tung. Nó vội vàng chạy đi báo chủ. Người vú nuôi nhà họ Đỗ đang đứng ở cửa sau, thấy nó hốt hoảng hỏi: - Cầm Đồng, có việc gì mà hớt hơ hớt hải thế? - Mất trộm, mất trộm rồi. Nó chạy thẳng vào chỗ đang cỗ bàn, nói với Phùng ngoại lang: - Ông ơi, nhà mất trộm. - Mất những gì? - Hòm bị mở tung ra. Phùng ngoại lang vội buông bát đũa về ngay, hai người đàn bà cũng theo chân về. Thấy những đồ đạc vật dụng để ngoài vẫn còn, vào trong nhà thì hai chiếc hòm bị mở, quần áo trong hòm đảo lộn lung tung, chiếc mũ đính vàng, kim thoa, chén bạc và bạc lạng không cánh mà bay. Mẹ và con dâu kiểm lại từng chiếc áo quần thì thấy một mảnh vải cuộn tròn tròn còn dính máu. Hai người nói: - Áo quần còn đủ cả, song không biết miếng vải này ở đâu. - Cái này chắc là ở tay kẻ trộm rơi ra. - Phùng ngoại lang nói. Rồi lập tức gọi ứng bổ tới xem xét, ứng bổ nói: - Bẻ khóa vào nhà thì đúng rồi, song đây không phải là kẻ trộm lành nghề. Giữa ban ngày ban mặt mà trong phủ mất trộm thì trộm ở ngoài làm sao mà vào được? Phải dò xét quanh đây xem sao. Phùng ngoại lang bèn viết một lá đơn về việc mình mất trộm trình lên Kinh lịch ty. Đỗ ngoại lang cũng sang hỏi thăm và an ủi. Song một mất mười ngờ, Phùng ngoại lang mất của tất nhiên là nghi hết người này đến người khác. Hơn nữa ứng bổ lại nghi cho những người lân cận. Đến tối ba người uống rượu, bỗng vợ Phùng ngoại lang là Giang thị nói: - Việc này tôi cũng nghi lắm. Cửa sau nhà họ Đỗ đối diện với cửa nhà mình, không phải là vú nuôi thì còn ai vào đây. Hằng ngày mụ ta cứ qua lại luôn, thông thuộc đường ra lối vào. Hôm qua lại sang đây giúp việc trang điểm, biết được nhà mình không có ai ở nhà nên đã khoắng một mẻ, lại ở ngay sát nhà mang ra không ai trông thấy. Cầm Đồng đứng bên rót rượu nghe thấy thế bèn nói: - Đúng rồi. Hôm qua con đi báo cho ông, gặp ngay mụ ta đứng cửa sau nhìn ra. Lại thấy bà nói tìm thấy một cái giẻ buộc tay. Con nhớ ra là hôm kia mụ ta làm cá ở ngoài giếng cắt vào tay, phải buộc giẻ. Con nghĩ đúng là mụ ta rồi. - Bọn vú nuôi, - Thiệu thị nói, - mới ở quê ra còn tốt, nếu đã ở cho mấy nhà rồi, vất vả như thế mà công sá chẳng là bao thì chúng phải tính chứ, hoặc là gạ gẫm bọn đàn ông, hoặc là trộm cắp, mười đứa thì họa may có vài đứa tốt. Cho nên bọn ấy đừng có cho nó bước vào nhà. Cái đứa con ở là A Tài ấy mặt mũi như cú vọ, đúng là tướng ăn trộm. Một đứa lấy, một đứa mang đi, xuất quỷ nhập thần, ai mà biết được. - Đây không phải là chuyện đùa, - Phùng ngoại lang nói, - nhỡ không đúng thì có oan cho người ta không. Hơn nữa ông Đỗ là người rất trung hậu, chắc rằng chẳng bao giờ làm chuyện đó. - Ông Đỗ trung hậu, - Thiệu thị nói, - chứ mụ vú nuôi và A Tài nhất định không thật thà, ứng bổ chẳng nói là trộm gần đó sao! - Hãy cứ từ từ bảo ứng bổ dò xét. - Phùng ngoại lang nói. Vì Cầm Đồng không về sớm coi nhà nên bị đánh. Sáng sớm hôm sau, Cầm Đồng tức quá cứ cho là vú nuôi lấy trộm, bèn chỏ sang cửa sau nhà họ Đỗ chửi: - Mày là đồ vô liêm sỉ, mày lấy cắp làm tao phải bị đánh, mày cần bạc sao mày không theo trai. Hằng ngày mày ra vào nhà tao, mày quen đường quen lối, mày lấy chứ còn ai vào đây nữa. Mày lấy rồi, nhưng mày cũng chẳng hưởng được đâu! Nó cứ ra ra vào vào chỏ sang nhà ấy mà chửi. Cửa sau nhà họ Đỗ chính là nhà bếp, thường ngày người vú nuôi này cũng không phải là tay vừa, thấy thế nghĩ rằng: "Con này láo quá, tại sao nó cứ chỏ sang nhà mình mà chửi". Vương thị nói: - Nhà nó mất của, gia chủ đánh nó. Nên nó phải chửi, nó chửi thì mặc nó. Đến tối, người vú nuôi mở cửa đi đổ nước thì gặp ngay đứa con ở cứ nhảy choi choi lên mà chửi. - Mày là đồ vô liêm sỉ, là đồ đĩ, mày chỉ lấy trộm của trai chứ sao mày lại lấy trộm nhà tao. Mày lấy chiếc mũ đính vàng ấy đội cũng chẳng yên đâu, bạc mày nuốt cũng chẳng trôi đâu. Người vú nuôi không muốn dây lời với nó, nhưng nó kéo lấy tay vú nuôi, nói: - Vú nuôi này, tôi nhớ hôm kia vú nuôi làm cá cắt phải tay, cuốn miếng vải trắng, trong hòm nhà tôi cũng có miếng vải như thế Thấy nó cứ chửi mãi, mà câu nào nó cũng ám chỉ mình. Đang tức sẵn, nghe thấy nói thế người vú nuôi chợt bừng bừng nổi giận, tát ngay nó một cái, nói: - Con đĩ, ra mày chửi, vào mày chửa. Tao không lấy, tao không thèm chấp, sao mày cứ đổ cho tao? Tao quen đường quen lối thì tao lấy của nhà mày à? Cầm Đồng nắm lấy tay vú nuôi, nói: - Chứng cớ còn rành rành đây, lẽ nào nhà tôi đổ oan cho bà à? Vú nuôi ba máu sáu con bèn đánh nó một trận. Chủ nhà hai bên và hàng xóm chạy ra, một người nói: - Mày đổ oan cho bà ấy. - Trên tay bà vẫn còn dấu vết, - người khác nói, - thì chối làm sao được. Đỗ ngoại lang nói: - Bà ấy rất tốt, làm cho nhà tôi một năm nay rồi mà chẳng tơ hào tắt mắt cái gì, đừng đổ oan cho bà ấy. - Sự việc xảy ra rất khớp, - Phùng ngoại lang nói, - chẳng trách nào con nhỏ nhà tôi nó nghi ngờ. Hai nhà đều kéo người nhà mình về, chỉ có điều từ đó hai nhà kiềng nhau. Nhà họ Đỗ nói: - Ông ấy trong nha môn mà không hiểu luật pháp, sao lại đổ oan cho người ta? Có kiện cũng chẳng nổi đâu. Nhà họ Phùng thì nói: - Đồ vô liêm sỉ, dung túng cho kẻ ăn trộm, lại còn giả ân, giả nghĩa. Hai bên cứ cãi nhau mãi. A Tài nhà họ Đỗ cũng tức quá cũng chạy ra cửa, dần dần thành cãi nhau to. Mọi người đều nghĩ bụng nhà họ Phùng có lý. Ngay cả hai người đàn ông, một người thì đòi bắt trộm, một người thì đòi minh oan, lúc đầu còn đối xử tốt với nhau, nhưng đến đêm nghe hai người đàn bà nói, họ đâm ra ghét nhau. Phùng ngoại lang nói với các nhà xung quanh là việc xảy ra rất khớp nhau. Trương Tâm hằng ngày tới nha môn theo dõi động tĩnh, xem cái hòm giấy tờ, gặp bạn bè hắn thường nói: "Cứ nhìn vào bàn tay tớ cũng biết là số tớ không có bạc". Hai ngoại lang đều đến Kinh lịch ty, ai cũng tự cho mình là phải. Kinh lịch ty không phân xử được, nói với Phùng ngoại lang rằng: “Việc này vốn có dấu vết". Rồi lại nói với Đỗ ngoại lang rằng: "Trộm cắp không thể đổ oan được". Sau đó đành phải nói: "Đây là việc lớn phải trình lên cấp trên chứ không dám làm hại ai”. Thế rồi ông trình tờ đơn mất trộm và lời khai của hai người lên quan phủ. Sáng sớm hôm sau tri phủ lên công đường, hai bên đều trình đơn kiện, một bên tố cáo là "oa trữ của ăn cắp", một bên tố cáo là "vu oan". Trước hết tri phủ hỏi Phùng ngoại lang, Phùng ngoại lang nói: - Thưa ngài con là chức lại ở phủ này. Hôm kia cả nhà con đi mừng thọ, kẻ trộm đã lẻn vào nhà lấy đi chiếc mũ đính vàng và một số bạc, còn để lại trong hòm một mảnh giẻ có vết máu. Đứa ở nhà con là Cầm Đồng thấy người vú nuôi nhà họ Đỗ thường hay ra vào nhà con, ngón tay của vú nuôi có vết thương, mới hỏi việc này, rồi hai bàn cãi nhau. Ngài quan phủ lại hỏi Đỗ ngoại lang, Đỗ ngoại lang nói: - Con cũng là nha lại ở phủ này, nhà con có người vú nuôi là Kim thị, hằng ngày sống rất yên phận. Hôm kia, quả thực chị ấy ở nhà không sang nhà ông Phùng, song ông Phùng đã vu cho chị lấy cắp con không cam tâm chịu oan nên con làm đơn kiện lên ngài. Tri phủ nói: - Trong phủ của ta mà lại kiện mất cắp, ta nghĩ cửa thì đóng chặt, người ngoài không thể đột nhập vào được, kẻ nào dám vào đây ăn trộm? Nhất định là người trong nha môn. ông gọi mang mảnh vải lại cho ông xem, thì đúng là mảnh vải cuộn tròn lại để buộc ngón tay. Xem xong tri phủ gọi lính lệ bảo: - Hãy xem ngón tay của con vú nuôi có bị đứt không? Lính lệ xem xong thưa với quan huyện: - Thưa ngài có bị thương, hình như cắt phải tay, sắp khỏi rồi. Sau đó ông bảo lính lệ mang chiếc vải ấy xỏ vào ngón tay bị đứt của Kim thị. Lính lệ lôi tay Kim thị xỏ vào thì quả nhiên vừa khít nói: - Bẩm quan, xỏ vào vừa khít. Tri phủ cười nói: - Đúng là hàng ngày đi lại, thông thuộc ngõ ngách, hôm kia nhân lúc cả nhà họ Phùng đi vắng nên sang lấy cắp tài sản, do vội vã đã đánh rơi mảnh vải này trong hòm. Không cần phải nói gì nữa, trên đời này làm gì lại có chuyện ngẫu nhiên như thế? Hãy kẹp nó cho ta! Kẹp đến nỗi Kim thị kêu như bò chọc tiết. Kim thị nói: - Thưa ngài quả thực con không lấy. - Người là đàn bà, một mình cũng không dám cả gan, vậy thì trong nhà còn có ai nữa không? Trong nhà ông còn có A Tài. - Phùng ngoại lang nói. - Bắt nó tới đây. - Quan phủ nói. - Buộc nó phải khai ra đồng bọn. - Thưa ngài, - A Tài nói, - Kim thị ở nhà, hoàn toàn không đi đâu cả? Bảo bà ấy lấy trộm thì oan cho bà ấy quá, và cũng chẳng có liên quan gì đến con. - Mày nói mụ trong sạch, - quan phủ nói, - và nói mày cũng trong sạch, rõ ràng là mày đồng mưu. Nói xong quan phủ cho kẹp A Tài. A Tài không khai lại tiếp tục kẹp, đến nỗi gãy cả chân ngất đi. Người vú nuôi cũng bị kẹp, chịu không nổi, đành phải khai là đã lấy cắp. Quan phủ ghép cho A Tài là đồng bọn, A Tài cũng phải nhận. Chỉ có tang vật thì người này đổ cho người kia, cứ rối mù cả lên. Tri phủ hỏi nhà hai người ở đâu, thì biết một người ở Long Tuyền, một người ở Tuyên Bình, đều là huyện ngoài. Tri phủ nói: - Không cần phải nói thêm nữa, tang vật vẫn còn tại nhà họ Đỗ. Đòi kẹp Đỗ ngoại lang, Đỗ ngoại lang nói: - Thưa ngài, hai người này bị đánh nên khai bừa chứ thực ra không có tang vật nào cả. - Không có ngươi chứa chấp, - quan phủ nói, - thì làm sao nó dám lấy trộm ngay trong phủ? Nhất định phải lấy tang vật ở nhà ngươi để trả lại cho chủ. Quan phủ ra lệnh cho kẹp Đỗ ngoại lang, Đỗ than rằng: - Quả là con oan khuất mà không thể minh oan, con phải chịu hình phạt, thật oan cho con quá. Đỗ ngoại lang phải nhận bồi thường. Tri phủ lệnh đánh hai mươi gậy, và nghĩ rằng đây là kẻ oa trữ miễn thích chữ lên mặt và đi đày, tất nhiên là phải cách chức. A Tài lấy cắp phải thích lên mặt và bị đi đày, Kim thị được chuộc tội. Lệnh giam A Tài vào ngục, Đỗ ngoại lang, Kim thị được bảo lãnh. Quan viên trong phủ đều cho việc này là thật, Đỗ ngoại lang sợ rằng lại tự lấy lửa đốt mình. Có người trách Đỗ rằng: "Trong phủ thường mất trộm, Đỗ ngoại lang ngồi đấy mà chia của, phen này phải nhả ra". Cũng có người thương Đỗ ngoại lang nói: - Ông ấy thật thà chất phác, có thể là hai người kia lấy cắp rồi chia nhau gửi về nhà, người không xơ múi lại phải đền. Kẻ độc ác lại nói: - Cùng ở trong một nhà mà lại bảo rằng không biết ư? Lôi được tang vật ra mới rõ mặt chuột. Thương thay Đỗ ngoại lang vốn là người thanh bạch, chịu tiếng oan, ra vào trong phủ, quan viên đều nói châm chọc là đầu trộm đuôi cướp, chờ Khuyết điển lại kết luận về sự việc liên quan của ông, sẽ cách chức. Các nhà trong phủ bảo ông là kẻ oa trữ, đòi ông phải rời khỏi phủ. Uất ức quá ông đã viết một tờ sớ, khai rõ ngày sinh tháng đẻ của Kim thị, bộc bạch tấm lòng của mình trước đền thờ thần thổ địa ở ngay trong phủ. Song lại có kẻ ác bạc ghi vào ngay sau tờ sớ ấy là: "Oa trữ là trộm, ngài quan phủ đã xét xử đúng, còn oan gì nữa mà kêu, đừng có lắm lời". Việc đã xảy ra thêm ngờ vực, Thực hư nào ai biết chi đâu. Chỉ riêng mình biết, mình ngay thẳng, Thế nào trời cũng sẽ thương cho.