Đỗ ngoại lang lại dán một tờ thông báo viết rằng: "Nhà ông Phùng mất của, ai bắt được xin tạ ơn mười lạng bạc". Ai cũng bảo là ông "nói bậy". Lại còn làm cho người vú nuôi nhà mình mắc tiếng oan là kẻ ăn cắp. Đỗ ngoại lang muốn chết quách đi cho rồi. May mà Vương thị nói: - Ông xem nhà mình vô tội lại mang tiếng xấu là kẻ oa trữ, lại còn phải bồi thường tang vật. Nếu như ông chết, người ta lại cho là sợ tội mà chết. Đây là mệnh trời, đừng chết oan uổng như thế. Lẽ trời luôn sáng tỏ, việc lâu rồi sẽ rõ ra thôi. Thế rồi họ luôn luôn cầu trời khấn Phật phải làm sáng tỏ oan khuất cho cuộc đời của mình. Án đã xét xong, đệ trình lên cấp trên. Rất may là Trương Tam, nay đánh bạc mai chơi gái, hằng ngày thường tới xem chiếc hòm văn thư. Hắn chỉ nghĩ tới mình, mặc cho Đỗ ngoại lang vì hắn mà chịu oan, vì hắn mà chịu tội. Số bạc hắn lấy được tiêu ào đi, trong mấy ngày đã hết nhẵn. Bây giờ thì hắn nghĩ tới cái mũ đính vàng. Chỉ có điều mấy lần hắn tới phòng lại thấy có người ngồi ở đó ghi chép, hắn khó mà lấy ra được. Mình thì không ghi chép gì mà cứ ngồi đuỗn mặt ra, không tiện đành phải bỏ về. Hôm ấy chờ cho mọi người đi vắng, hắn vội vàng mở hòm giấy tờ, lấy ngay chiếc mũ đính vàng nhét vào tay áo. Đang tìm giấy gói thì đúng lúc ấy Chu Nhất Quan là người của phòng ấy mất một chiếc quạt, bước vào ngó nghiêng tìm quanh quẩn. Chiếc quạt rơi dưới gầm bàn, khi cúi xuống nhặt thấy có vật gì lồng cồng trong tay áo Trương Tam. Hai người này thường đùa cợt nhau, Chu Nhất Quan nói: - Trương Tam, hôm nay vớ được món gì bở thế, phải đãi tớ đi. Thế rồi Chu đưa tay nắn nắn, Trương Tam vội rụt tay lại nói: - Không được đụng vào đấy. - Gói gì vậy? - Không phải, đây là vì người nhà cần một ít bạc, sai tôi mang chiếc mũ đính vàng đi đổi. Nếu được tiền chè thuốc mình sẽ đãi cậu. - Cô tớ - Chu Nhất nói, - sắp gả chồng cho con gái, nói với tớ là cần đánh một chiếc trâm vàng để làm đồ trang sức, thôi thì đổi luôn chiếc mũ đính vàng này cho tiện. Đổi độ bao nhiêu tớ xem xem thế nào, nếu dùng được tớ đổi giúp cho. Chu Nhất Quan định lôi ra xem. Trương Tam nói: - Hàng cũ ấy mà, - Trương Tam nói, - sợ rằng không vừa ý thôi đừng xem nữa. - Cô tôi vốn chẳng biết gì đến lễ vật, vả lại cũng sắp cưới rồi. Cậu cứ cho tớ xem sao. Chẳng lẽ cậu phải để tớ giật lấy mà xem ư? Trương Tam đành phải cho xem, Chu Tam nói: - Đây chỉ là hàng thủ công thôi, không phải là hàng xịn tại sao vành lại bẹp thế này, mà khung mũ cũng bị cong, lại thủng mất một chỗ. - Tốt nhất là cậu đi đánh cái trâm khác. Chu Nhất Quan mồm thì bảo "được, được" nhưng cứ xem chiếc mũ ấy. Bên trong chiếc mũ có thấy ký tên hình như là chữ Phùng ngoại lang, rồi nói với Trương Tam: - Hình như cậu không muốn nhờ tớ, thế thì tớ bảo cô tớ sẽ trực tiếp mang bạc tới chỉ cần để cho cô ấy rẻ chút ít. - Tất nhiên rồi. Nói xong Trương Tam đi thẳng. Chu Nhất Quan là một người láu lỉnh, anh nghĩ: "Trương Tam là tay cờ bạc, vào tay nó là nó nướng ngay vào sòng bạc, ngay như vợ nó cũng có dám đưa cho nó đâu, người thân này mù hay sao mà đưa cho nó? Đã vào tay nó thì mất toi". Sau đó anh lại nghĩ: "Đã bảo nó đi đổi sao nó lại không biết là bao nhiêu, tại sao vành mũ lại bẹp? Việc này thật đáng ngờ". Đang lúc nghĩ ngợi thì thấy Phùng ngoại lang đi tới. Chu Nhất Quan sực nghĩ ra nói: - Ông Phùng này, ông mới mất chiếc mũ đính vàng, nửa mạc bị thủng mất một lỗ có phải không? - Thủng mất một lỗ thì tôi không biết, - Phùng ngoại lang nói, - do nhà kết lấy, đội được ba bốn năm rồi. - Bên trong có ký chữ gì không? - Năm kia tôi có đội, treo trong phủ sợ bị người ta đội nhầm, tôi có viết chữ bên trong. - Chỉ vì có chữ ký này mà tôi nghi, - Chu Nhất Quan nói, - người này đang cần đổi, nếu ông có bạc thì mang khoảng mười lạng tôi sẽ đưa về cho ông xem kỹ. - Ai thế? - Nếu như nói người này ra, - Chu Nhất Quan nói, - mà không phải thì tôi nghi oan cho người ta, người ấy biết được lại trách tôi. - Anh đừng lừa tôi. - Tôi và ông cùng một phòng, gắn bó với nhau như chân với tay, lẽ nào tôi lại lừa dối ông mấy lạng bạc? Chỉ có điều tìm được của mình rồi, thì phải cho tôi một bữa rượu ra trò đấy. Quả nhiên Phùng ngoại lang đưa cho Chu Nhất Quan một gói bốn nén. Chu Nhất Quan đi tìm Trương Tam. Không ngờ Trương Tam đợi không thấy, đã mang đổi béng cho một cửa hàng ngoài phố lấy năm lạng bạc, đi một lúc đã nướng hết nhẵn. Chu Nhất Quan tới nhà Trương Tam, vợ Trương Tam nói: - Anh ấy vào phủ từ sáng sớm đã về đâu. Chu Nhất Quan quay về, mới đi được một đoạn thì gặp Trương Tam mặt buồn rười rượi đi tới. Chu Nhất Quan nói: - Vừa rồi tôi đã nói với cô tôi, cô tôi bảo mang mười lạng tới rồi đưa mũ về cho cô xem, anh thấy có đổi được không? - Muộn mất rồi, -- Trương Tam nói, - vì anh ấy cần tiền gấp nên tôi đã cầm năm lạng rồi, hóa đơn vẫn còn đây. - Đã cầm rồi ư? Tôi cùng anh đến hiệu cầm đồ chuộc lại, để sau này khỏi phải trả lãi. - Chuộc được, - Trương Tam nói, - nhưng phải trả cao hơn. Đến hiệu cầm đồ, Trương Tam nói: - Chiếc mũ này không phải chỉ mười lạng đâu nhé. - Anh chỉ cầm với giá năm lạng thôi mà. - Chu Nhất Quan nói. Trương Tam trả hóa đơn, rồi lấy mũ đưa cho Chu Nhất Quan. Chu nói: - Việc này ngày mai sẽ ngã ngũ, cậu ở nhà chờ tớ nhé. Hai người chia tay nhau. Chu Nhất Quan về tới phủ tìm ngay Phùng ngoại lang. Ông đang nóng lòng chờ tin tức, thấy Chu Nhất Quan, nói: - Đã mang mũ về đấy à? - Chín phần mười là của ông rồi, dấu vết rất đúng. Chu Nhất Quan đưa cho Phùng ngoại lang. Xem qua Phùng ngoại lang chưa tin là thật, xem đến chữ ký thì Phùng ngoại lang kêu lên: - Đúng rồi, đúng rồi. - Việc này xin ông đừng nóng vội, - Chu Nhất Quan nói, - hãy mang vào nhà xem kỹ đi đã. Phùng ngoại lang mang vào trong nhà, Giang thị nhận ra đúng là chiếc mũ nhà mình, nói: - Đúng là mũ nhà tôi rồi, đằng trước mũ con nhỏ không biết chọc thủng mất một chỗ. Phùng ngoại lang thấy đúng là mũ của nhà mình, bèn giữ Chu Nhất Quan ở lại uống rượu, hỏi: - Là ai đấy, có phải là lão Đỗ không? - Không phải, - Chu Nhất Quan nói, - hắn là thằng con bạc Trương Tam ở phòng ta. - Nhất định lão Đỗ không tẩu tán trót lọt, - Phùng ngoại lang nói, - nên phải nhờ Trương Tam. - Lão Đỗ với Trương Tam có thân nhau đâu. - Chu Nhất Quan nói. - Thôi mặc nó, - Phùng ngoại lang nói, - ngày mai cứ bắt Trương Tam rồi sẽ rõ. Chu Nhất Quan ra về. Khi ấy vụ án Đỗ ngoại lang đã xét xử xong, chỉ chờ giải đi. Không có tang vật nên Đỗ ngoại lang phải bán ruộng, vì bán vội nên chỉ được có tám chục lạng, mất đến ba phần mười. Đỗ ngoại lang cứ ngồi thở vắn than dài: - Đúng là số mình phải như thế, người ta thì của đi thay người, còn mình thì không những phải đền mà lại mang tiếng xấu không những thế lại mất hết cả đường thăng tiến. Hôm nay ở nhà chuẩn bị tiền nong, ngày kia giải lên đạo, ít ra cũng phải bị đánh mười lăm gậy, càng nghĩ Đỗ ngoại lang càng thêm oán hận, nói: - Sao lại có loại quan ngu đến thế. Sáng sớm hôm sau Phùng ngoại lang bẩm với ngài quan phủ rằng: - Đội ơn ngài. Hôm kia ngài đã phán xử Đỗ ngoại lang phải đền tám mươi lạng, chờ giải lên đạo. Hôm qua thấy Trương Tam người thuộc phòng con có mang một chiếc mũ đi cầm, nhờ Chu Nhất Quan người cùng phòng đi đổi bạc, con thấy cái mũ ấy đúng là của con. Cúi xin ngài truy cứu. - Đây là kẻ đồng bọn của Đỗ ngoại lang rồi. - Quan tri phủ nói. Cho gọi Trương Tam, song không thấy Trương Tam ở phòng, tri phủ bèn sai người đi bắt. Tới nhà thì thấy Trương Tam đang chờ Chu Nhất Quan, nghe thấy có tiếng gọi bèn nói: - Anh Chu đấy à? Trương Tam bước ra, thì thấy lính lệ nói: - Ngài tri phủ cho gọi anh. Trương Tam nghĩ rằng chẳng có việc gì, bèn quay lại dặn vợ: - Nếu Chu Nhất Quan tới thì bảo ở lại chờ tôi nhé. - Anh ấy đang chờ anh ở phủ. - Lính lệ nói. Trương Tam tới phủ, thì quan tri phủ còn đang ở công đường. Lính lệ nói: - Thưa ngài, Trương Tam đã tới. - Ngươi là thư ký của phủ ư? - Quan phủ nói. - Chiếc mũ hôm qua ngươi lấy ở đâu? - Thưa ngài người thân của con nhờ con đi đổi bạc ạ. - Trương Tam nói. - Thế người nhà ngươi tên gì? - Quan phủ hỏi. Trương Tam không trả lời được. Tri phủ hỏi: - Có phải Đỗ ngoại lang nhờ ngươi đổi không? Trương Tam nói mập mờ rằng: - Vâng. Đỗ ngoại lang đang ở nhà chuẩn bị tiền bồi thường, nghe nói chiếc mũ đính vàng của Phùng ngoại lang do Trương Tam người cùng phòng lấy cắp bèn chạy ra xem, nghe thấy Trương Tam nói hồ đồ là do mình nhờ đi đổi, bèn quỳ xuống nói: - Trương Tam, lẽ trời lòng người. Mày ăn trộm khiến cho người vú nuôi bị kẹp, đứa ở bị gãy chân, làm hại cuộc đời ta, bắt ta phải bồi thường. Đến nay sự việc đã rõ rồi, mày còn muốn hại ta ư? Thế tao đưa cho mày bao giờ? Ở đâu? Mày đừng đặt điều. Trương Tam muốn cãi nhưng cãi không được, chỉ biết cúi đầu. Tri phủ cho kẹp hắn lại, vừa mới tra kẹp vào chân Trương Tam đã khai. Vốn là khi hắn đang đứng ở cửa phủ thì thấy vợ chồng Phùng ngoại lang đi khỏi nhà, nhân lúc vắng người hắn tới bẻ khóa vào nhà mở hòm lấy một chiếc mũ đính vàng, một đôi kim thoa, sáu chiếc trâm cài đầu, bốn chiếc chén bạc và mười sáu lạng bạc. Tất cả là do hắn, không có liên quan gì tới người vú nuôi và A Tài. Hỏi tang vật đâu, thì hắn nói số bạc hắn đã cùng với Chu Nhất đánh bạc và chơi gái, mũ đính vàng thì hắn nhờ Chu Nhất Quan đi cầm, cốc bạc và kim thoa vẫn còn cất dưới đáy hòm văn thư. Quan phủ lập tức cho mở hòm. Phùng ngoại lang đều nhận đúng của nhà mình. Tri phủ hỏi về mảnh vải rơi trong hòm, thì Trương Tam nói là vì bẻ khóa ngón tay bị toạc nên lấy giẻ buộc, rồi rơi vào hòm. Tri phủ gật đầu nói: - Quả là có việc ngẫu nhiên như thế. Nếu việc của Trương Tam không lộ ra, chẳng phải vú nuôi, đứa ở bị oan, mà Đỗ ngoại lang cũng phải đền oan biết bao tiền của? Ông lệnh đánh Trương Tam hai mươi lăm gậy, lập bản án và kết luận Trương Tam là tên ăn trộm. Sau đó ngài gọi Đỗ ngoại lang nói: - Ta đã xử lầm, khiến ông chịu oan, may mà chưa giải lên đạo văn bản cách chức vẫn chưa gửi lên bố chính ti, ông vẫn giữ nguyên chức cũ. Sau đó ông hạ lệnh đánh Phùng ngoại lang và đứa ở là Cầm Đồng mỗi người mươi lăm gậy. Ông cũng tự bỏ ra hai lạng cho A Tài, trả số bạc cho Phùng ngoại lang và tha ngay. Quan phủ cho gọi tất cả quan viên thuộc sáu phòng trong phủ lại nói: - Hai nhà này vốn không có hiềm khích gì, chỉ vì một bên mất trộm, muốn tìm ngay tang vật, song lại có những hiện tượng ngẫu nhiên trùng hợp, nên đã dẫn đến việc kiện tụng, và đã gây khốn khó cho Đỗ ngoại lang. Nay ta đã minh oan, các ngươi phải coi Đỗ ngoại lang vẫn là người tốt. Còn Phùng ngoại lang phải xin lỗi ông, mọi người là đồng bào, vậy phải sống thân thiện với nhau như trước. Rồi ông nói với Phùng ngoại lang: - Hôm nay ta căn cứ vào đơn kiện của ông để xét xử, nếu đưa lên cấp trên ông sẽ bị kết tội vu cáo. Ông cũng phải biết rằng đây là một việc nghiêm trọng. Phùng ngoại lang khấu đầu nói: - Xin theo lời dạy bảo của ngài. Mây đen che khuất mặt trời, Án oan đã khiến cho người khổ đau. Người ngay chẳng trước thì sau, Trời xanh sáng tỏ sạch làu nỗi oan. Chu Nhất Quan không có ý vì Đỗ ngoại lang, song lại như minh oan cho ông. Chỉ có điều anh bị Trương Tam oán hận là đã kéo anh ta đi đánh bạc, anh ta được năm lạng bạc, và cũng đã nói khó với Chu Nhất Quan rồi. Qua sự việc này những người trong nha môn mới hay trong thiên hạ có chuyện oan uổng như thế. Vú nuôi vốn là người tốt, ngay cả A Tài cũng vô tội. Đỗ ngoại lang là người trung thực, phải bồi thường oan. Nhà ông luôn cầu trời khấn Phật quả nhiên được báo ứng. Sự việc đã rõ ràng, vú nuôi bèn tức tốc sang chửi vợ Phùng ngoại lang là đã đổ oan cho mình lấy cắp, khiến phải bị đánh đập. A Tài cũng lê chân sang, đòi Phùng ngoại lang phải bồi thường cái chân bị kẹp gãy. Chồng người vú nuôi và bố mẹ A Tài trước đó sợ liên lụy không dám ra mặt, bây giờ họ đến bênh cho vợ cho con, vào tận nhà mà chửi. Phùng ngoại lang trốn không dám ra, phải nhờ người ra xin tha thứ. Đỗ ngoại lang đại lượng nói: - Lý ra Phùng ngoại lang không biết mà vu cho người ta ăn trộm, người nhà tôi bị cùm kẹp, tôi mang tiếng xấu bị cách chức lại phải mất mấy lạng bạc thì phải kiện lên cấp trên về tội vu cáo cho hả dạ. Hơn nữa năm nay cũng là năm hạn của tôi chỉ mong các vị hiểu cho tôi không phải là kẻ oa trữ của ăn cắp, và trước đây tôi đệ đơn lên quan phủ là đúng sự thực. Mọi người nói rằng: - Hôm ấy chúng tôi cũng nói ông vốn là người chân thực, ngay thẳng, song ngài tri phủ không cho là thật, chúng tôi cũng không sao cứu nổi. Nay thì lòng người đã rõ, Phùng ngoại lang vốn là bạn tốt của ông, thôi thì ông cũng chín bỏ làm mười. Phùng ngoại lang sang tận nhà xin lỗi, sau đó làm mâm rượu mời bạn bè và hàng xóm cùng sang tiếp Đỗ ngoại lang. Phùng ngoại lang nói: - Quả là tôi sai, nghe theo đứa ở, mẹ và vợ, nghi ngờ cho vú nuôi, tôi quả là có tội với ông, xin ông tha thứ. - Ông ạ! - Đỗ ngoại lang nói. - Tôi cũng đã nói rồi. Vừa rồi ông cũng biết thế là sai. Chúng ta phải dựa vào đôi mắt và tấm lòng mình để xem xét đánh giá con người, làm sao mà không biết tôi không phải là người chứa chấp của ăn cắp, làm sao mà không biết tôi là người không làm điều xấu? Đàn bà con gái có mấy người hiểu hết sự đời đâu, những người tầm thường phần lớn đều làm hỏng việc, đại trượng phu không ngại nói thẳng, hà tất phải đổ cho người khác. Phùng ngoại lang cứ gật đầu cho là đúng. Mọi người thấy Đỗ ngoại lang nói có lý, vui vẻ uống rượu rồi ra về. Phùng ngoại lang lại chăm sóc A Tài và mong vú nuôi tha thứ. Vụ án kết thúc. Về sau Trương Tam bị giải lên đạo, rồi phát vãng tới dịch trạm Bồng Lai. Đỗ ngoại lang vì là người chính trực song bị vu cáo tho nên ngài quan phủ hết sức tin cậy, mọi việc đều giao cho ông, gia đình ngày một khá giả. Chỉ có điều về việc này, Đỗ ngoại lang bị oan uổng, cuối cùng trời đã thanh minh cho ông. Vú nuôi quen thói lân la sang nhà người khác đến nỗi bị nghi ngờ. Song trong thiên hạ việc gì cũng có thể xảy ra. Phùng ngoại lang cứ khăng khăng cho việc ngẫu nhiên là sự thực cơ hồ dẫn đến người khác phải khuynh gia bại sản, thậm chí bị giết người. Nếu như lật ngược lại thì chính mình cũng sẽ bất lợi. Làm quan phải sáng suốt, phải khoan dung, một ý nghĩ chợt đến mà cứ như đinh đóng cột cho là phải và dẫn đến dùng hình phạt. Thử hỏi: người đã chết thì sống lại làm sao? Chân tay đã gãy rồi thì sao nối lại được? Cho nên những quan lại thanh liêm sáng suốt không hiển đạt, con cháu không đông đúc, cũng là do nghiêm khắc mà ra. Bởi thế mười phần tin cũng cần phải có ba phần nghi ngờ. Làm quan mười phần sáng suốt cũng phải có một phần khoan dung tha thứ. Đây là bài học khi câu chuyện này kết thúc.