Phàm đã làm quan, thì khi gặp kiện tụng cần phải nghi ngờ, nghi ngờ ngay cả những chỗ không đáng nghi. Tuy đã kết án, nhưng cũng phải từ bản án dò tìm ra đường sống để cứu người. Chỗ nào còn nghi ngờ thì không nên bỏ qua. Nếu sự việc không có đối chứng, tình và lý chưa khớp nhau thì nhất thiết không thể thêm bớt bừa để hãm người vào chỗ chết. Phạm nhân với ta vốn chẳng có hiềm khích, thì cớ gì ta lại đưa họ vào chỗ chết. Tóm lại, con người là da thịt do cha mẹ sinh ra, chứ không phải đúc bằng đồng bằng sắt. Ngay trong hành động và lời nói của họ có chỗ sơ hở, nếu cứ cố chấp, hoặc bất chợt nổi giận mà cùm kẹp đánh đập, hòng tìm ra thủ phạm, thì e rằng, giả sẽ thành thật, không sẽ thành có. Thế mới biết, làm quan thông minh, cố chấp, thật là tai hại. Song trong những ông quan ấy, người ngu có ít, người thông minh lại có nhiều; quan tham lam ít, quan thanh liêm thì nhiều. Cũng chính vì tự cho mình là thanh liêm, nên khi làm việc, quan không thanh liêm không thấy hổ thẹn, xử phạt không khoan dung, sai lầm không chịu nhận, bởi thế họ coi tính mệnh như trò đùa. Ta cho rằng, tính mạng con người liên quan đến trời, nên nhất định sẽ bị trời trừng phạt. Chuyện quan huyện Khổng là một bài học cho chúng ta. Đạo làm thầy rất cao cả, nhưng thầy phải có học vấn thực sự, phải cần mẫn nghiêm khắc dạy dỗ học trò, không để học trò mắc sai lầm. Ngày nay ta thường thấy có người Tứ thư cũng chưa hiểu hết, thế mà lại làm thầy. Hơn nữa, họ còn bị cuốn hút vào cờ bạc, rượu chè, kiện tụng, làm hại cả đời người học trò. Bởi thế con cháu thầy không những không phát đạt, thậm chí tuyệt tự thật đáng sợ thay! Giết người bằng bút chính là tự giết mình. Ngô Dưỡng Thuần thường hay viết đơn kiện cho người, không biết ngòi bút của ông ta đã giết biết bao sinh mạng. Hai người con ông ta vì thế mà chết, còn lại người con gái. Song sự oan khuất lại chuyển sang hại cả chồng cô gái, về sau cả cháu nội của cô ấy cũng chết. Đạo trời vẫn còn, nghĩ đến mà run sợ. Người ta đẻ con, vô luận là nhiều hay ít đều phải chú ý giáo dục. Nhất thiết không được quá yêu mà nhân nhượng vô nguyên tắc, phải biết con mình có tài năng hay không, dựa vào đó mà hướng dẫn con. Ví như nó thông minh thì phải làm cho nó chăm chỉ học hành; nếu không thì chuyển học chữ sang học nghề, không nên để nó chơi bời lêu lổng. Phải biết tính tình của tuổi trẻ, nếu không quản lý chúng thì tất cả những việc xấu đều bắt đầu từ đó. Nên ta không thể không răn dạy con cái. Ta từng viết cuốn Thiên phúc thiên, trong đó có câu: "Muốn trở thành người tốt, phải chơi với bạn tốt, ủ rượu chua thì làm sao có được rượu ngon". Tóm lại con cháu ai, nếu cứ chơi bời với kẻ xấu, thì tự nhiên sẽ xấu theo. Khi đã quen thói, dù có ra sức cứu vớt, mong trở thành người cũng không được nữa. Cuối thời Minh, ở Dương Châu có một người tên là Trương Lão Nhi. Nhà giàu có, nhưng chỉ sinh được một người con trai, tên là Tuyển Sinh: Tuyển Sinh là đứa trẻ rất ngoan, nên vợ chồng Trương Lão Nhi quý như vàng. Lên bảy, Tuyển Sinh được cho đi học, thầy Dự Đồng nói: "Đừng dồn ép, cứ mặc nó vui chơi". Mười hai tuổi Tuyển Sinh đẹp như một viên ngọc. Thường thì, trẻ con chăm học thì ít, lười nhác thì nhiều, nên cha mẹ cần phải thường xuyên đôn đốc việc học hành. Nếu cha mẹ lười nhác con cái sẽ xao nhãng việc học hành. Và tới khi mười bốn, mười lăm tuổi, thậm chí mười tám, mười chín tuổi, tuy biết không học được, thì cũng phải dựa vào việc học để quản lý. Chúng không làm gì sẽ lêu lổng chơi bời, dần dà sẽ bị kẻ xấu lôi kéo, kết bè kết đảng, lén lút yêu đương, rượu chè cờ bạc, rồi không biết chúng sẽ gây ra chuyện gì. Mười sáu tuổi, Trương Tuyển Sinh bỏ học, chẳng ai quản lý quả nhiên bị mấy đứa xấu lôi kéo. Lúc đầu mình hầu hạ người, sau lại tìm người khác hầu mình; suốt đêm nằm cầu ngủ quán. Vì mẹ che giấu, cha không biết, đến khi biết thì con đã hư hỏng, không dạy được nữa. Bố mẹ nghĩ rằng lấy vợ cho con để nó hồi tâm lại. Họ nghĩ: "Ngày nay người lớn thích ăn diện, thích sang trọng, càng làm cho trẻ con hư hỏng. Hơn nữa, nhà càng sang trọng, người lui tới càng đông. Nhà nghèo hèn thì lại không có chí khí. Song, nó chơi bời với bọn thanh niên, quen thói trăng hoa, chỉ thích gái đẹp. Nay nếu lấy vợ đẹp, lại đanh đá một chút thì nó sẽ sợ, không dám đi nữa, điều đó chẳng hay sao?". Hai người bàn soạn xong, nhờ bà mối đi tìm người. Song những nhà khá giả thì không có con gái đẹp, nhà có con gái đẹp mà họ Trương ưng ý, thì thấy đứa con trai chơi bời lêu lổng không ai muốn gả. Hơn một năm sau, nghe nói thầy giáo Ngô Dưỡng Thuần, cách đó ba dặm có một người con gái. Thầy Ngô, kiến thức nông cạn, ngày Tứ thư cũng không hiểu hết, toàn dựa vào việc bày mưu tính kế, lừa dối mấy đứa học trò để kiếm ăn. Tính ông ta hay cờ bạc, rượu chè, thấy thế học sinh cũng lười nhác, không chịu nghe lời thầy. Thầy thì không dạy học trò, suốt ngày viết đơn từ kiện cáo cho người. Trong làng xảy ra việc gì đều tìm đến ông. Được tiền, việc bé xé ra to, nói không thành có, không biết đã giết hại bao nhiêu mạng người. Trong làng ai cũng sợ ông ta. Ngô Dưỡng Thuần sinh được hai đứa con trai rất kháu khỉnh. Chưa đầy ba tuổi đã lăn ra chết, còn lại một người con gái, tên là Tam Thư. Đứa con gái vừa xinh đẹp lại nết na, vợ chồng ông ta rất yêu quý. Người mối đến hỏi cho con trai nhà họ Trương, lão Ngô đích thân đến thành dò hỏi. Thấy đứa con trai xinh đẹp, gia đình lại khá giả, bèn đồng ý ngay, rồi sau đó chọn ngày lành tháng tốt làm lễ cưới. Khi cho con gái đi lấy chồng, nhà họ Ngô sắm sửa tư trang cho con gái rất đơn sơ. Vợ chồng lão Trương thấy Ngô Dưỡng Thuần không có con trai, hơn nữa con gái nông thôn lấy người thành thị nghĩ rằng sẽ lắm của hồi môn, nhưng khi biết đồ trang sức của cô dâu đơn sơ thì họ vô cùng thất vọng. Đến khi động phòng hoa chúc, thấy cô dâu xinh đẹp, vợ chồng nhà họ Trương rất vui mừng, mà ngay cả Trương Tuyển Sinh trước đây không ưng thì nay cũng thích. Không ngờ cô gái tuyệt thế giai nhân này không biết nũng nịu, ỏng ẹo làm tình như bọn kỹ nữ, Trương Tuyển Sinh nói những lời trăng hoa cô xấu hổ không dám bắt chuyện, khi Trương Tuyển Sinh đùa cợt, nhớt nhả, cô thấy khó chịu. Trương Tuyển Sinh nghĩ bụng: "Rốt cục cô vẫn chỉ là bọn gái quê". Chỉ có hai vợ chồng lão Trương thấy cô nết na, dịu dàng, đoan trang nên rất ân cần quý mến cô. Trong nhà vui vẻ thuận hòa. Được nửa tháng, thấy lúc nào cô cũng buồn rầu nhớ nhung cha mẹ, Tuyển Sinh nói: - Em cứ thương nhớ mẹ cha như thế, thì anh sẽ đi thăm cha mẹ thay em. Sáng hôm sau, Tuyển Sinh trang điểm cẩn thận, thắng bộ quần áo mới. Thường ngày anh ta đi về chẳng nói gì với cha mẹ, đi đâu thì nửa chừng là rủ bạn bè cùng đi, dọc đường chơi đùa vui vẻ, nên dù đường có xa đến mấy anh ta cũng đi. Lần này đi một mình, anh ta cảm thấy đường quá xa. Bên đường có một ngôi miếu thờ thổ thần, bèn rẽ vào đó chơi. Anh ta thấy một thằng nhỏ khoảng mười sáu, mười bảy tuổi, rất xinh đẹp. Tuyển Sinh vốn là một gã đa tình, lại rất thích mùi vị đàn ông. Nay thấy thằng nhỏ, anh ta sán lại bắt chuyện. Thấy thằng nhỏ đeo túi hành lý rất nặng, Tuyển Sinh hỏi ra, biết thằng nhỏ tới Quảng Đông thăm Thân Mậu Dịch. Tuyển Sinh chết mê chết mệt, quyến luyến không muốn rời thằng nhỏ, bèn nói dối rằng: - Ở Quảng Đông tôi cũng có một người rất thân làm quan. Thế là họ bám rịt lấy nhau, cùng tới Quảng Đông. Đã ba ngày, không thấy chồng về, Tam Thư nghĩ: "Nếu cha mẹ giữ lại đãi cơm thì cũng chẳng ở lâu đến thế, không biết vì sao?". Hai hôm sau, mẹ chồng không thấy con trai, mới bảo Tam Thư: - Tuyển Sinh thường hay chơi bời lêu lổng, tụ tập bạn bè không chịu ở nhà. Mẹ hy vọng cưới con về thì nó sẽ nghĩ lại. Từ nay về sau con phải giữ rịt nó ở nhà, không cho đi đâu. Ba bốn hôm nay nó đi đâu mà không thấy. - Cách đây bốn hôm, - Tam Thư nói, - anh ấy nói là đến thăm bố mẹ con, không biết vì sao không về. Mẹ hãy cho người đi hỏi xem sao! Mẹ chồng sai người đến nhà thông gia hỏi. Ngô Dưỡng Thuần nói: - Không thấy Tuyển Sinh đến đây. Vợ chồng nhà họ Trương nói với nhau rằng: "Không biết nó ở nhà con kỹ nữ nào, hay ở nhà thằng bạn nào đấy? Sau này phải quản nó cho thật chặt". Hai hôm sau thấy sốt ruột, Tam Thư bảo mẹ chồng rằng: - Hôm đi anh ấy cài trâm vàng, mặc áo the mới. Hay là anh ấy ở nhà người bạn nào chăng? Lão Trương tìm khắp nơi, rất nhiều ngày rồi mà vẫn không thấy Tuyển Sinh đâu. Ông lại đến nhà họ Cao hỏi, người ấy nói: - Cách đây tám hôm, tôi gặp anh ấy ở gần cửa thành, anh ấy bảo "đến nhà bố vợ", từ đó về sau không gặp nữa. Vợ chồng lão Trương rất lo lắng, nghĩ ngợi lung tung, thì Ngô Dưỡng Thuần sai cháu nội là Ngô chu đến hỏi thăm tin tức và nhân thể thăm Tam Thư. Ngô Chu là cháu vợ Ngô Dưỡng Thuần, cha mẹ mất sớm, phải sống một mình. Nhà họ Ngô, con gái đi lấy chồng, tuổi già hiu quạnh không ai đỡ đần, bèn đưa cháu về nuôi, đổi thành họ Ngô, làm con thừa tự. Ngô Chu tới, lão Trương ra tiếp, thấy Ngô Chu chừng hai mươi tuổi, mặt mũi khôi ngô, bèn túm chặt lấy nói: - Ngươi hãy trả con ta đây! Ngô Chu trợn tròn mắt, ngớ người ra không nói được câu nào. Thấy vậy Tam Thư nói: - Thưa cha, anh ấy có lòng tốt đến thăm, chứ anh ấy có can hệ gì đâu. - Mày cũng không chạy thoát được đâu. - Lão Trương nổi giận nói. - Các người âm mưu giết con ta để lấy nhau, trời không dung tha các người. Thấy ông ta nói thế, Tam Thư uất nghẹn đến tận cổ, không sao nói được. Lão Trương giải Ngô Chu lên huyện. Quan huyện họ Khổng, là người thanh liêm chính trực, ông chỉ có một đam mê đó là xử kiện. Ông thường nói: "Nếu không oan ức thì sao người ta phải đi kiện?". Bởi thế người đi kiện ngày một nhiều. Hôm ấy lão Trương lôi Ngô Chu lên huyện kêu khóc. Quan huyện gọi vào xét hỏi, lão Trương nói: - Con con là Trương Tuyển Sinh, lấy vợ mới được nửa tháng, nói là đến nhà bố vợ, nhung tới nay vẫn chưa thấy về. Hỏi thì Ngô Chu nói là không thấy con tới. Ngô Chu là anh em con cô con cậu với con dâu con, nhất định chúng đã thông dâm với nhau nên chúng đã âm mưu giết hại con con để lấy nhau. Con xin ngài ra tay trừng trị. - Tại sao mày lại âm mưu giết hại con người ta? - Quan huyện hỏi Ngô Chu. - Thưa ngài, - Ngô Chu nói, - em con mới đi lấy chồng được nửa tháng. Con chưa thấy chồng nó tới nhà con, con cũng chưa gặp bao giờ, vậy sao lại đổ cho con giết hại? - Con ngươi có người nào oán không? - Quan huyện hỏi lão Trương. - Con con mới mười chín tuổi, - lão Trương nói, - hằng ngày đóng cửa đọc sách, chẳng ai thù oán! - Trên đường đi có hổ báo gì không, - quan huyện hỏi tiếp. - Vùng ngày rất yên lành, - lão Trương đáp, - không có kẻ xấu và ác thú. Quan huyện nghĩ một lát rồi hỏi Ngô Chu. - Mày có vợ chưa? - Chưa ạ. - Ngô Chu đáp. - Nhà có những ai? - Quan huyện gật gật đầu hỏi. - Còn cha mẹ già. - Ngô Chu đáp. Quan huyện nói: - Hãy giam Ngô Chu lại, còn lão Trương cho về, chờ vợ chồng họ Ngô và con dâu tới sẽ xét hỏi tiếp. Chỉ trong mấy ngày các phạm nhân đã đến đủ. Quan huyện thấy Ngô thi xinh đẹp đã nghi ngay cho cô, ông nghĩ: "Cô ta đẹp như thế, sao chồng lại chịu bỏ đi, trai chưa vợ nhìn thấy ai mà chả thích. Gian dâm là chắc, còn mưu hại có thể tới tám chín phần mười". Thế rồi ông quắc mắt hỏi Tam Thư: - Chồng ngươi hiện ở đâu? - Trước khi đi nhà con có nói là đến thăm bố mẹ con. - Tam Thư trả lời. - Song chẳng hiểu sao không thấy về. - Ngươi nói thế thì chỉ được tha không lăng trì vì không đồng mưu. - Quan huyện nói. - Sao các người lại để con gái thông dâm với Ngô Chu? - Quan huyện hỏi vợ chồng họ Ngô. - Bẩm quan lớn, - Ngô Dương Thuần nói, - quan lớn đèn trời soi xét, con gái con ở nhà học hành, biết được phép tắc, lễ nghi. Anh em nó ở xa nhau, mỗi năm chỉ gặp một hai lần. Sau khi con con đi lấy chồng nó mới về ở với chúng con. Mà con rể con có đến nhà con đâu, sao lại vu oan cho nó như thế? - Tại sao ngươi gian dâm với vợ người khác, - quan huyện lại hỏi Ngô Chu, - rồi âm mưu giết hại người, ngươi đã giấu xác chết ở đâu? - Bẩm quan lớn, - Ngô Chu nói, - quả thực là oan cho con. Thực tình chồng em con không đến nhà con. Xin quan lớn đèn trời soi xét. - Nó mới cưới, vợ lại đẹp như một bông hoa, nếu nó đến nhà chứa hay đi xa thì nó phải về chứ? Đích thị mày đã giết nó rồi. Hãy mau cùm kẹp hai đứa này, bắt phải khai ra sự thật chúng đã giết người và giấu xác chết ở đâu. Song thương thay, vị nha môn chưa từng nhận tiền đút lót bao giờ, dù có kẹp ba người đến chết họ cũng không khai. Quan huyện lại thét đánh, song đánh thế nào chăng nữa họ cũng không khai. Rồi lại tiếp tục đánh. Quan huyện nói: - Mấy đứa này cứng đầu cứng cổ, cùng một giuộc, tội đáng chết. - ông lại nói tiếp. - Hãy dừng lại, giam đứa con dâu vào nhà giam nữ, lão Ngô, Ngô Chu tống vào nhà giam mỗi đứa một nơi, còn vợ lão Ngô cho về, hôm sau tiếp tục xét hỏi. Vợ lão Ngô thấy bị oan khuất, uất ức quá không chịu nổi. Đêm ấy về nhà nhảy xuống giếng tự tử. Ngày hôm sau thẩm vấn quan lại tiếp tục kìm kẹp đánh đập lão Ngô và Ngô Chu, truy hỏi bắt khai ra tử thi đã giấu ở đâu, nhưng họ vẫn im lặng. Lão Ngô vì già yếu, lại chịu tra tấn cục hình đã chết trong ngục. Quan huyện vẫn không buông tha, tiếp tục đánh đập Ngô Chu cho đến khi chết mới thôi, chỉ còn lại Tam Thư. Cô biết cha mẹ và Ngô Chu đã chết, cứ gào khóc kêu oan khuất, chết đi sống lại. Cô nói: - Cha mẹ chết hết cả rồi, ta biết dựa vào ai bây giờ? - Đúng như vậy đấy. - Mọi người nói. - Nhà chồng là kẻ thù, nhà mẹ đẻ không còn ai, sống trong ngục mãi sao được, chỉ còn có đường chết mà thôi. - Chết tôi cũng không sợ. - Tam Thư nói. - Cha và anh tôi không giết chồng tôi, lâu ngày sự việc cũng sẽ rõ ràng. Tôi chờ đến ngày ấy mới chết. Quan huyện cho giam Tam Thư vào ngục. Không lâu sau, viên quan họ Khổng mắc tội, bị đuổi về quê Thiểm Tây. Quan mới đến nhậm chức, sự việc mới dịu di. Còn Trương Tuyển Sinh, chỉ vì nỗi say mê nhất thời đã cùng với thằng nhỏ đến Quảng Đông. Biết Tuyển Sinh chẳng có người nào thân thích ở đây, nó bèn chuốc rượu cho anh ta uống say khướt, rồi lấy hết vàng bạc, quần áo tẩu thoát. Khi tỉnh dậy mới biết mình đã lâm vào cảnh đường cùng, về sau lại gặp bọn người quen thói trăng hoa với con trai, thấy Tuyển Sinh còn trẻ lại xinh đẹp bên giữ lại hành dâm. Sống như thế được hơn một năm, thì Tuyển Sinh mình mẩy ghẻ lở, chán ghét chúng đuổi anh ta đi Tuyển Sinh nghĩ: "Nhà mình giàu có, lại mới cưới vợ được nửa tháng, chẳng vạ gì phải đi xa, chịu khổ thế này". Thế là anh ta xin ăn, lần đường về quê. Làng xóm thấy anh ta trở về rất bất bình, liền điệu anh ta lên quan huyện mới. Quan huyện hỏi rõ sự tình, đánh cho bốn mươi gậy, sau đó tha Tam Thư. Tam Thư được tha không muốn trở về nhà chồng. Mọi người đều khuyên rằng: - Cô nên về sống ở nhà họ Trương. - Trước đây tôi đã nói, - Tam Thư nói, - khi nào sự việc rõ ràng tôi sẽ chết. Khi tôi chết, nếu mọi người thương tôi hãy chôn tôi bên cạnh bố mẹ và anh của tôi, chứ tôi không thể nằm chung một huyệt với kẻ thù. - Sau này chúng tôi sẽ chôn cất theo lời trăng trối của cô. - Những người làng nói. - Song bây giờ cô nên về nhà họ Trương mới phải. Tam Thư nghe theo, về nhà họ Trương. Vợ chồng lão Trương vô cùng hổ thẹn, khóc lóc nói: - Bố mẹ quả là đồ súc sinh, đã hại con đến nỗi này. Chúng ta mong con hãy tha thứ. Tam Thư về phòng riêng của mình. Trương Tuyển Sinh chịu hình phạt đau đớn, nằm riêng một chỗ kêu rên. Thấy Tam Thư vào phòng, hắn gắng gượng ngồi dậy, quỳ trước mặt Tam Thư van xin tha thứ. Tam Thư lạnh lùng nói: - Tôi với anh không còn tình nghĩa gì nữa, cha và anh tôi đã phải chết vì bị cùm kẹp. Mẹ tôi phải nhảy xuống giếng tự tử. Hai năm nay cha mẹ anh đã ra vào cửa quan kiện tụng, trong và ngoài thành ai ai cũng cho tôi là kẻ gian dâm, điều ấy đã làm tổn hại tới thanh danh của tôi. Hai năm trong tù tôi bị đánh đập, cùm kẹp, đau khổ vạn phần. Anh đã hại tôi đưa tôi đến nông nỗi này. Anh là kẻ nhẫn tâm, bỏ đi không gửi một chữ nào về, ngay bạn bè cũng không đến nỗi hại người như thế, huống hồ lại là vợ chồng. Anh là kẻ lòng lang dạ sói, không nghĩ đến vợ con, quên hết cả cha mẹ, anh là loại súc sinh bất hiếu, bất nhân, bất nghĩa, là cầm thú đội lốt người. Trương Tuyển Sinh chỉ cúi đầu, nói: - Tôi thấy sai rồi. Anh ta bò dậy, nắm lấy tay Tam Thư, Tam Thư giằng tay ra nói: - Thôi hôm nay ta vĩnh biệt nhau. Đêm ấy cô nằm riêng một chỗ, khi mọi người đã ngủ say, cô tự thắt cổ chết. Lúc ấy các bậc thân sĩ trong làng mới biết cô không phải là người tham sống sợ chết, cô đã chết để bảo toàn danh tiết. Ai ai cũng kính phục thương xót cho số phận của cô, họ đều đến cầu nguyện cho linh hồn của cô. Theo lời trăng trối, người ta đã chôn cô cạnh ngôi mộ người cha già. Gia tộc họ Ngô và xóm làng vô cùng phẫn uất, đổ đi các ngả tìm bắt Tuyển Sinh đền mạng. Biết được tin ấy, dù khắp mình lở loét, anh ta đành phải trốn đến Thiểm Tây, rồi sung vào đội quân của một viên tướng nào đó. Theo lệnh ông, anh ta đến mai phục tại một sườn núi. Đột nhiên thấy một người đầu tóc bù xù, mặt mũi nhem nhuốc, áo vắt vai, đi chân đất như một người điên dại, chạy tới như bay, gào lên: - Ta là người họ Khổng, từng nhậm chức tri huyện. Vì cứ khăng khăng theo ý mình, đã làm chết oan bốn mạng người. Nay thấy một con ma đàn ông đã già, què chân vì bị cực hình, dẫn theo ba con ma: một con ma đàn bà mặt mày bê bết bùn đất do chết đuối, mình con ma đàn bà vẫn còn buộc một sợi thừng thắt cổ, và một con ma đàn ông còn ít tuổi chân què. Họ đang đuổi ta đòi mạng, xin cho tôi được tạm thời ẩn nấp ở đây. Tuyển Sinh thấy ông ta đúng vào lúc trận đánh diễn ra ác liệt. Quân của Đại Thanh đã tới chân núi, một khẩu đại pháo mặc áo đỏ chĩa nòng vào chỗ chúng phục kích trên sườn núi, nổ vang trời dậy đất, chết một lúc mấy trăm tên. Viên quan họ Khổng, Tuyển Sinh nát như tương, thi thể thành bùn đất. Thế mới biết, cha có con mà không dạy, thầy làm học trò lầm lỡ, bọn dùng giấy bút để hại người, quan lại vì cố chấp mà xử oan, cho đến con cái, cháu chắt cũng học thói lưu manh, tà dâm lang chạ, quên cả cha mẹ vợ con, cuối cùng đều phải chịu kết cục thê thảm. Thật đáng sợ thay.