Dịch giả: Nguyễn Xuân Minh
Phần VIII

     hi ánh trăng sáng, khi màn đêm hoàn toàn tĩnh lặng, khi lòng họ hoàn toàn chìm vào trong biển suy tư của bản thân, tôi mới từ từ dừng lại. Trên thực tế, cả tôi và những nữ sinh ấy đều muốn dừng lại từ lâu, bởi vì chúng tôi đều không muốn để mình chìm ngập trong biển suy tư cuồn cuộn đó quá lâu, nhưng dường như chúng tôi lại không nỡ nhấc mình lên khỏi mặt nước, thế nên mới phiêu bạt trên đại dương của âm nhạc. Khi tiếng đàn dừng lại, bọn họ cũng cảm thấy như mình đột nhiên dừng lại. Có người còn thở dài não nuột, dường như vừa bôn ba một quãng đường dài vậy. Có người đột nhiên giật mình bừng tỉnh, con mắt nội tâm mở ra trong thoáng chốc, rồi lại trở về với hiện thực. Có người từ đầu đến cuối chỉ nhìn vào tay tôi, sợ tôi đàn sai một âm nào đó. Có người thì khóc nức nở tâm hồn yếu đuối của họ không chịu nổi tiếng đàn réo rắt buồn thảm của tôi. Cũng có người vỗ tay, nhưng tôi chắc chắn những người này đều không hiểu gì vì âm nhạc hết.
Cho tới khi những lời khen có cánh vang lên, tôi mới buông đàn, đứng dậy bật đèn. Một thế giới khác lại xuất hiện. Nhưng một thế giới sâu kín nào đó trong nội tâm của họ sau khi bị tiếng đàn của tôi mở ra thì không còn là một vùng đất mới nữa. Tôi luôn cảm thấy trong lòng mỗi người đều có vô số thế giới, có những thế giới đã được mở mang, có những thế giới còn chưa được đụng tới. Những thế giới đã được mở mang kia đều ít nhiều bị ô nhiễm mà mất đi tri giác, còn những thế giới chưa được mở ra kia thì lại rất mẫn cảm.
Xét về một mặt nào đó thì mẫn cảm có nghĩa là tình yêu sắp đến. Nó là kinh ngạc, hoảng loạn, hiếu kỳ, mới lạ, kích động, thậm chí là vô tri. Nó là dấu hiệu một trái tim sắp gởi gắm cho một trái tim khác.
Không ngờ một cây đàn mà lại có ma lực đến thế, điều này chính bản thân tôi lúc đầu cũng không ngờ tới. Trong những tháng ngày học đại học dài lê thê, hỗn loạn mà hoang vu trước đây, tôi chưa bao giờ nhìn rõ nó như lúc này. Nó khiến tôi cảm thấy đau buồn, làm tôi có những ý nghĩ cao thượng.
Phải, cao thượng, nói ra cũng hơi buồn cười. Trong lòng tôi, không có gì gọi là cao thượng, cũng chẳng có gì là bỉ ổi. Điểm này thì tôi hoàn toàn bất đồng quan điểm với cha tôi. Tôi cảm thấy một người làm việc gì và làm thế nào, chắc chắn là có lý do của anh ta, chưa chắc bạn đã hiểu nổi. Đặc biệt là trong cái thời đại hỗn loạn này. Muốn tìm hiểu một người là một chuyện vô cùng khó khăn, thế nên tôi không muốn hiểu bất cứ ai. Điều tôi muốn làm chỉ là cố hết sức để không oán giận, không phàn nàn. Nhưng chuyện đời đâu có dễ dàng như vậy, có rất nhiều chuyện rất ngang ngược, vô lý, khiến cho tôi không thể không động lòng.
Tôi bắt đầu cuộc sống quý tộc của một kẻ chơi bời trác táng như vậy đó. Tiếng Anh, miễn cưỡng thi được sáu mươi phẩy năm điểm. Thật vớ vẩn! nhiều lúc tôi cảm thấy các thầy cô giáo chấm bài thật buồn cười, tại sao không cho sáu mươi mốt điểm cho xong đi? lúc nói chuyện này với người khác, tôi cảm thấy rất ấm ức. Nửa điểm đó quá thừa thãi. Tôi rất phản cảm với cái chuyện toàn dân học tiếng Anh này. Nói là một chuyện, giáo dục thì cũng phải có lý của nó, cường điệu tới mức làm người ta quên cả quốc ngữ thì thật là một hành động bán nước. Về điểm này thì hai cha con tôi rất đồng tình với nhau. Ông nói:
 - Đến đời thứ tư, thứ năm thì không ai biết quốc ngữ nữa mất.
Tôi nghe vậy, chỉ cười nói:
  -  Đến lúc ấy thì những thứ bố viết chắc chắn chẳng còn tồn tại nữa rồi, bố đừng hy vọng đời sau sẽ đọc được. Mà cho dù có đọc được, chắc gì đã hiểu chứ.
Cha tôi không cười, ông có vẻ thương cảm thật sự, ông sợ rằng đời sau sẽ không còn ai hiểu tác phẩm của mình nữa.
Một trong những nguyên nhân mà tôi không muốn thi nghiên cứu sinh chính là ngoại ngữ. Tuy ngoại ngữ của tôi không đến nỗi tệ lắm nhưng nghiên cứu sinh tiếng Hán mà lại có thể bị loại vì ngoại ngữ thì quả thật là một chuyện dáng sỉ nhục, cảm giác giống như khi nhìn thấy tấm bảng “người Hoa và chó không được vào” khi xưa vậy. Nếu như để ngoại ngữ thành một môn thi khảo sát, có thể tôi sẽ đi thi, nhưng nếu không sửa đổi thì có chết tôi cũng không thèm bước qua cánh cửa đó. Tôi thà ở lại Trung Quốc còn hơn, dù sao thì cả đời này tôi cũng không cần lo ăn lo mặc nữa rồi.
Có điều, về việc học ngoại ngữ này, cha tôi cũng có chút gì đó tiếc nuối. Ông thường nói với tôi là mình cũng nên học một điều ngoại ngữ. Năm xưa Lỗ Tấn cũng còn tự học nữa là. Tôi phản bác lại:
 - Người ta học là vì muốn khai thông tư tưởng, muốn dịch những thứ mà hầu hết mọi người không hiểu ra, còn bố thì đâu cần làm gì, hầu hết mọi người đều biết hết cả rồi, với lại còn có những người phiên dịch chuyên nghiệp dịch hết những thứ cần phải dịch sang tiếng Hán rồi, bố còn tốn thời gian làm gì!
Ông bảo ông không tin những người đó dịch đúng. Tôi bật cười:
  -  Vậy thì chắc gì bố đã hiểu đúng chứ?
Mắng thì mắng vậy nhưng trào lưu học tiếng Anh trong trường quả thực rất sôi nổi. Rất nhiều người muốn ra nước ngoài nên cả ngày cứ lải nhải như tụng kinh. Dù sao thì tôi cũng không muốn, tôi thích ở lại đất nước này mà hưởng thụ những ngày tháng thanh xuân.
Có một số cô gái hoàn toàn không thể coi là đẹp, nhưng toàn thân họ như phát ra ánh sáng, một thứ ánh sáng chiếu rọi vào tận sâu thẳm trong trái tim chúng ta.
Lăng Sa là một cô gái như vậy. Lần đầu tiên cô đi lướt qua người tôi là một buổi chiều mưa. Lúc đó, tôi đang nói chuyện với đám bạn cùng lớp thì chợt cảm thấy có một sức mạnh nào đó buộc tôi phải quay ra nhìn. Không rõ mặt cô. Chỉ thấy cô đang quay mặt đi, vừa cười vừa vẫy tay chào một người bạn khác. Khi cô quay đầu lại thì đã đi qua người tôi rồi. Tôi ngoái lại nhìn cô, cảm thấy toàn thân cô đều toát lên một mùi hương ngọt ngào. Lăng Sa đi rất nhanh, mái tóc tung bay phấp phới. Lúc nào cô cũng cười, làm cho người ta có cảm giác cô như một tia sáng.
Thực ra đây là cảm giác khi tôi gặp cô lần thứ hai. Lần đó có hơi đặc biệt một chút.
Hôm ấy Nam Tử đột nhiên đến trường tìm tôi. Đương nhiên là anh ta mù mù mờ mờ, không biết tìm tôi ở đâu, bèn gọi điện về nhà hỏi số di động của tôi. Hóa ra anh ta đến để tìm diễn viên. Bên cạnh anh ta còn có một người trong có vẻ rất bẩn, râu tóc rối bù, nghe Nam Tử giới thiệu thì đây là đạo diễn ở đài truyền hình. Người này muốn làm một chương trình thi ca dựa trên thơ của Nam Tử, mà đó lại là một bài thơ tình, nên đương nhiên cần một cô gái đẹp làm diễn viên, hơn nữa còn phải là cô gái đẹp rất hoạt bát và biết diễn kịch nữa. Nam Tử nói:
  -  Không phải cậu quen rất nhiều nữ sinh ở học viện Nghệ thuật hay sao?
Tôi không muốn tới đó, bèn tìm một lý do để thoái thác. Cuối cùng ông đạo diễn nói:
- Hay là viết thông báo để cho những người muốn làm diễn viên đến đăng ký với cậu là được.
Mới nghe qua, tôi rất cao hứng nhưng nghĩ kỹ thì thấy không ổn chút nào. Tôi sợ Yên Thu đến báo danh. Hơn nữa, tôi cũng không muốn ở trong ký túc xá. Tôi liền tìm giúp họ một người phụ trách bên hội sinh viên, ai muốn tham gia thì sẽ đến báo danh với cậu ta. Để cảm ơn ơi, Nam Tử đã mời cậu ta đi uống bia. Thế là bốn chúng tôi cùng ngồi với nhau ở trước một căng tin gần khu nhà của sinh viên.
Uống được vài tuần bia thì Nam Tử và tay đạo diễn đã ngà ngà say. Tay đạo diễn đó còn chạy ra giữa đường, nhảy múa nữa. Nam Tử phải hét lên anh ta mới chịu dừng lại. Nam Tử cũng tốt nghiệp đại học Nam Kinh, thế nên mới lấy bút danh là Nam Tử. Nam Tử rất kính trọng đại học Nam Kinh, hoặc cũng có thể nói là rất có cảm tình với ngôi trường này. Anh ta rất kiệm lời, có nói cũng chỉ nói mình đã từng đọc sách dưới gốc những cây táo ở đây, từng hẹn hò với hai cô gái, đáng tiếc là vào thời của anh ta, tư tưởng vẫn còn quá bảo thủ nên giữa bọn họ không có gì xảy ra cả. Nhưng anh ta cũng viết rất nhiều thơ tặng cho bọn họ, một số bài còn khắc lên thân cây táo nữa, chỉ đáng tiếc là chúng đều không còn nữa, ở đó bây giờ là một tòa nhà cao tầng hiện đại. Kể tới đây thì Nam Tử bắt đầu chửi cái xã hội hiện đại, anh ta to tiếng tới mức rất nhiều người qua đường đều dừng lại, tò mò lắng nghe. Rồi đột nhiên anh ta lại trầm mặc, chán nản, ủ ê. Nam Tử nhỏ hơn bố tôi rất nhiều, thế nên tôi không có cảm giác sợ anh. Anh cũng cảm thấy hai chúng tôi không nên là người của hai thế hệ khác nhau, mà nên là anh em. Ánh mắt anh ta rất buồn bã, khói từ điếu thuốc trong tay lững lờ bay lên, làm gương mặt anh trở nên mơ hồ. Trong khoảnh khắc đó, tôi cảm giác anh có vẻ gì đó rất nữ tính, rất dịu dàng. Đây chính là hình tượng của tài tử Giang Nam mà tôi đã đọctrg rất nhiều thơ ca, tiểu thuyết. Một thứ vốn trừu tượng, giờ đây lại đột nhiên xuất hiện trước mắt, cảm giác đó thật là đặc biệt. Tôi rất cảm động, cầm bia lên đòi chạm ly với Nam Tử.
Đột nhiên Nam Tử lại nhắc đến cảm nhận lúc được nghe tôi chơi đàn ở nhà, cứ nằng nặc đòi tôi chơi lại một bản. Tôi nói đàn để ở nhà mà tôi thuê bên ngoài, cách đây một đoạn khá xa. Anh vẫn không chịu, cứ đòi tôi phải mang đàn tới quán bia. Tôi nói:
 - Hay là anh đến chỗ em vậy!
Nam Tử lắc đầu quầy quậy:
- Không được, hôm nay anh nhất định phải qua đêm ở đây. Anh phải ôn lại những kỷ niệm buồn thương nhưng cũng hết sức lãng mạn của thời đại học. Có ngủ anh cũng phải ngủ ở chỗ này.
Những lời anh nói có vẻ không được thật lắm nhưng rất chân thành. Người bạn làm cán bộ hội sinh viên của tôi bèn xung phong đi lấy đàn. Tôi cho cậu ta địa chỉ và cả chìa khóa nhà, một lát sau, đàn đã được mang đến nơi. Nam Tử vừa nhận thấy chiếc túi da của tôi thì nước mắt đã trào ra. Anh nói:
 - Con bà nó chứ, cậu thật khiến cho người ta phải thương cảm. Bản thân cậu đã là một tác phẩm nghệ thuật mẹ nó rồi, bất luận là thân thể, tóc tai hay là thế giới nội tâm của cậu, đều khiến người ta phải ngưỡng mộ!
Tôi bắt đầu đặt tay lên phím đàn, cảm giác không được thoải mái cho lắm. Tôi rất ghét chơi đàn ở những nơi thế này, nhưng vì Nam Tử, tôi đành phải phá lệ. Tôi nhắm mắt lại, bởi vì mở mắt thì sẽ nhìn thấy những đám người ồn ã đang lượn đi lượn lại xung quanh đó, sẽ ảnh hưởng đến âm nhạc của tôi. Đàn được một lúc, tôi cảm thấy thế giới bên ngoài đã không còn tác động gì đến mình nữa. Tôi chơi bài Bài ca chim ưng, rồi Tuyên ngôn tình yêu. Nam Tử nghe xong thì nước mắt lưng tròng, luôn miệng kêu “âm nhạc sát nhân”.
Lúc tôi mở mắt ra thì phát hiện cách đó không xa, có một đôi tình nhân đang nhìn mình. Người bạn ở hội sinh viên của tôi quen biết bọn họ, liền giơ tay chào hỏi. Hai người kia cũng bước tới làm quen với chúng tôi. Ánh mắt cô gái rất tươi tắn, tôi có cảm giác như mình đã từng gặp ở đâu rồi thì phải. Khi cô quay đầu lại, tôi mới nhận ra đó chính là cô gái phát sáng lần trước.
Cô chính là Lăng Sa, sinh viên năm thứ hai khoa tiếng Anh thuộc học viện Ngoại ngữ. Mắt cô không to, hình như là mắt một mí, nhưng đôi mắt ấy rất có thần, đặc biệt còn biết cười nữa. Thoạt nhìn, không thể nói Lăng Sa là một cô gái đẹp được, nhưng sau khi cô cười với bạn, bạn không thể nhận xét về cô như thế nữa. Tôi nhận ra cô đẹp một cách rất tinh tế. Làn da cô trắng và thật mịn màng, mỗi khi cô cười để lộ ra hàm răng trắng tinh, đều đặn như được người ta cẩn thận gắn vào vậy. Miệng cô nhỏ, mỗi khi cô cười, chiếc miệng nhỏ xinh ấy lại chúm chím như một đóa anh đào mới nở, chiếc mũi xinh xinh cũng khẽ chun lại, đôi mắt sáng rạng rỡ, trông quyến rũ vô cùng. Cô ăn mặc cũng rất tỉ mỉ, một bộ quần áo bó sát người làm cho cô khác hẳn với những người khác, đồng thời cũng làm cho thân thể cô chảy hẳn ra ngoài.
Đúng, không phải lộ ra, mà là chảy ra. Bộ quần áo của cô nhìn như đồ công sở, nhưng mặc vào lại rất thoải mái, chắc hẳn là phải tốn rất nhiều công sức mới mua được. Chiếc áo sơmi bên trong cũng rất hợp, vừa thời trang lại vừa nghiêm túc, bông hoa thêu trên cổ áo rất giống hoa thật, có lẽ là hàng thủ công. Mẹ tôi rất thích những kiểu quần áo thế này, nhưng loại quần áo này rất kén người. Có một số người mặc vào trông chẳng ra thể thống gì cả, không bằng lúc tùy tiện ăn mặc bình thường, nhưng một số người khác mặc lên thì như vải gấm thêu hoa, càng mặc càng đẹp. Loại quần áo này không phải ai cũng mua được. Từ đây có thể nhận ra rằng, gia đình Lăng Sa không phải đơn giản.