Dịch giả: Nguyễn Xuân Minh
Phần X

     rên lớp có một nữ sinh tên Lưu Hảo, rất thích xem tôi đá bóng. Khoa Trung của tôi học rất nhàn, bài vở cũng không nhiều, buổi chiều hầu như không có giờ học, sinh viên có thể thoải mái thích làm gì thì làm. Một buổi chiều của tôi thường được chia làm hai phần: từ sau khi ăn cơm đến bốn giờ chiều, tôi nằm ườn ra ngủ, sau bốn giờ thì dậy đi đá bóng. Lưu Hảo định đi lên thư viện tự học, trong tay cầm một cuốn thơ của Từ Chí Ma, nói là phải ngồi cô đơn một mình trong góc đọc thì mới cảm nhận được hồn của bài thơ. Tôi nghe cũng hay hay, bèn nói:
- Hay đấy, khi nào bạn đọc xong cho tớ mượn đọc thử xem sao.
Lưu Hảo thấy tôi cầm quả bóng liền hỏi tôi đá thế nào. Tôi nói:
 - Ba năm trung hoc, tớ đều là đội trưởng đội bóng của trường.
Cô nàng nghe thế thì tròn mắt lên hỏi lại:
  -  Thật sao? Vậy chắc chắn cậu có nhiều bạn nữ hâm mộ phải không?
Tôi cười nói:
 - Phải, nhưng bây giờ thì chẳng có ai cả.
Lưu Hảo liền nói:
- Vậy coi như tớ là người hâm mộ đầu tiên của cậu đi! nhưng mà tớ phải xem cậu đá bóng trước đã, tớ là dân mê bóng đá chính hiệu đấy!
Thế là cô bé đáng thương này trở thành người hâm mộ đầu tiên của tôi ở trường đại học.
Cô bé rất thuần khiết, mặt trắng như trứng gà bóc, không hề có một hạt mụn nào, vừa nhìn đã biết là một cô gái có nội tâm rất thanh thản. Tôi thích thứ khí chất ấy. Lúc nghe tôi kể chuyện, Lưu Hảo luôn mỉm cười, gương mặt rạng ngời xuân sắc, cặp mắt mở to nhìn tôi không chớp, hơn nữa còn không ngừng gật đầu. Có điều cô bé hơi thấp, chỉ cao đến ngang vai tôi. Tất nhiên so sánh này chỉ là tương đối bởi vì tôi quá cao so với chúng bạn. Có lúc tôi cảm thấy đây là một khuyết điểm, nó khiến cho tôi quá nổi bật trước mọi người, điều này thì tôi chẳng thích chút nào.
Chuyện Lưu Hảo thích xem tôi đá bóng trở thành chủ đề xôn xao trong ký túc xá. Đại Vệ và Tiểu Vệ đều nhất trí cho rằng cô bé đã yêu tôi, bảo tôi phải nắm bắt lấy cơ hội. Đương nhiên, tôi không thể nói cho họ biết chuyện tôi đã có bạn gái, vì thế chỉ cười cười nói:
  -  Lưu Hảo ấy à, tớ chỉ coi như em gái thôi!
Ai ngờ tôi lại nói đúng. Chuyện là thế này, vào một buổi chiều trước ngày Quốc Khánh, cô bé cầm đến cho tôi mấy quyển sách, một cuốn là thơ Từ Chí Ma, một cuốn là thơ Puskin, một cuốn là Don Quixote, còn một hai cuốn nữa, nhưng tôi chịu chẳng nhớ nổi tên. Cô bé nói đây là sách mượn ở thư viện, lúc ấy trong phòng còn có cả Đại Vệ nữa. Lưu Hảo lấy ra một tấm thiếp đưa cho tôi, nói:
 - Em biết ngày kia là sinh nhật anh, chắc anh sẽ về nhà, nên chúc mừng trước vậy!
Đại Vệ giật lấy tấm thiệp đòi xem trước, nhưng tôi không cho. Người ở nông thôn có một số thói quen không giống bọn thanh niên thành thị chúng tôi. Cậu ta thường dùng khăn mặt và kem đánh răng của tôi, khi tôi về nhà, cậu ta còn mời cả mu người ở quê lên giường tôi ngủ, lúc đi thì để lại một đống bừa bộn, chăn màn chẳng buồn gấp. Tôi không thích, nhưng anh em ở chung phòng với nhau, chẳng lẽ lại đi nói những chuyện này. Tất nhiên cũng có lúc tôi cảm thấy cách sống như của Đại Vệ rất hay, những đứa con một như chúng tôi, quả thật cũng hơi ích kỷ.
Lưu Hảo viết tặng tôi một bài thơ. Thơ của cô bé rất mông lung, đại ý nói là tôi thường xuất hiện trong giấc mơ của cô và cả hai chúng tôi chơi đùa trên con đường nhỏ ở một vùng quê thanh bình nữa. Dưới cùng có đề “Em gái Lưu Hảo của anh”. Sau này tôi mới biết lúc nhỏ Lưu Hảo bị bố mẹ đưa về quê sống với bà nội, đến năm bốn tuổi mới được đón về lại thành phố. Chẳng trách mà trong giấc mơ của cô bé lại xuất hiện con đường nhỏ ở quê. Trong ký ức của tôi cũng có một vùng quê, từ lúc còn rất nhỏ, tôi đã đi qua con đường quê ấy một lần. Đó là lần bà nội bị bệnh nặng, không nói được gì nữa. Bố dẫn tôi về thăm. Sau đó bà cũng đã đỡ rất nhiều.
 Tôi chơi ở đó một tuần liền. Còn nhớ tháng Năm năm đó, ruộng đồng xanh ngắt một màu, xa xa là một vùng vàng rực, lại gần mới biết là hoa cải. Ngày nào ông tôi cũng ra ruộng làm việc từ sáng sớm, ông thích bế tôi, còn tôi thì thích tự đi. Hai ông cháu đi trên một con đường đất nhỏ, rộng khoảng mét rưỡi, đi mãi mà không hết. Con đường nhỏ ấy rất thẳng, thẳng tít đến tận chân trời xa. Lần nào tôi cũng hỏi ông xem còn bao xa mới đi hết con đường.
 Lần nào ông cũng bảo là không xa, nhưng tôi vẫn cảm thấy còn xa, thật là xa, lần nào cũng đi đến nỗi không nhấc chân lên nổi nữa mới quay về. Ở quê, tôi còn nhìn thấy cả cầu vòng, những con chim ưng tự do, tự tại. Một lần, vào ngày Quốc Khánh, tôi đã nhìn thấy rất nhiều chim nhạn, chúng bay thành hình chữ “bát” về phương Nam, vừa bay vừa kêu quang quác. Năm đó, tôi khoảng mười sáu tuổi. Tôi lại đi trên con đường nhỏ ấy một lần nữa, lại nhìn thấy những cánh đồng hoa cải vàng ruộm, ánh nắng mùa thu hình như hơi lạnh. Lần ấy tôi không nhìn thấy chim ưng, cũng không hề nhớ đến sự tồn tại của nó. Vì vậy đối với tôi năm chữ “con đường nhỏ ở quê” không chỉ là một câu thơ, mà còn là một hồi ức, một nỗi niềm, một ảo tưởng của cuộc đời nữa.
Sau ngày Quốc Khánh, tôi cảm thấy rất ngại gặp cô bé, Lưu Hảo cũng đỏ mặt khi gặp tôi. Có điều, tôi cũng mau chóng phá vỡ không hí ngượng nghịu ấy. Tôi nói:
 - Từ nhỏ anh luôn mong có một cô em gái, bây giờ thì tốt rồi.
Lưu Hảo cũng vậy, cô luôn hy vọng có một người anh. Tôi khéo léo nói cho cô biết, tôi còn có một người chị nuôi. Lưu Hảo nghe xong, có vẻ hơi thất vọng, nói hôm nào rảnh thì đi với tôi đến gặp chị. Tôi gật đầu đồng ý luôn, nhưng tất nhiên là tôi không bao giờ làm như vậy rồi.
Nhân duyên của Lưu Hảo rất tốt, có rất nhiều bạn nam có ý với cô. Tuy không phải là nữ sinh xinh đẹp nhất lớp, nhưng cô là người có phong cách nhất. Ký túc xá nam bình chọn hoa hậu, sau khi bàn bạc, thảo luận một hồi, đã chọn ra được hai đóa: mẫu đơn và u lan, trong đó u lan chính là Lưu Hảo. Chúng tôi còn ra Tứ xú trong đám nữ sinh nữa. Kết quả của cuộc bình chọn này mau chóng lan truyền đi khắp trường, còn lưu truyền đến tập lúc tốt nghiệp. Nghe nói trong ký túc xá nữ cũng có bầu chọn Tam đại thiên vương và Tứ tiểu xú. Theo lời Lưu Hảo thì tôi là người đứng đầu trong Tam đại thiên vương đó. Tôi nghe xong, chỉ buông một tiếng:
- Vớ vẩn!
Lưu Hảo chợt hỏi:
 - Chị nuôi của anh bao nhiêu tuổi?
Tôi nói:
- Không biết, chưa hỏi bao giờ, dù sao cũng hơn anh nhiều lắm.
Lưu Hảo lại hỏi:
- Chị ấy kết hôn chưa?
Tôi lắc đầu:
 - Vẫn chưa.
Nhắc đến kết hôn, tôi lại cảm thấy không thích môi trường làm việc hiện giờ của Âu Dương. Tôi không thích cái kiểu nàng cười giả lả với khách, lại càng không thích nàng trở thành một nữ cường nhân.
Tôi chẳng hề có hứng thú với những kẻ mạnh, mà chỉ ưa thích những người tính tình tản mạn, không mạnh mà cũng chẳng yếu.
Một ngày cuối tuần, nàng đón tôi đi ăn qua loa ở một quán bình thường, sau đó thì về chỗ nàng. Chúng tôi đã không gặp nhau hai tuần rồi, tôi rất nhớ nàng, nàng cũng vậy. Vừa vào cửa, nàng đã có vẻ không nhịn nổi, vồ vập ôm lấy tôi. Không hiểu sao, từ sau khi vào đại học, tôi rất lãnh đạm với chuyện ấy. Đặc biệt là từ sau khi làm thơ tặng nàng, tôi cứ luôn cảm thấy chúng tôi cần phải tiến sâu thêm một bước nữa trên bình diện tình cảm, đồng thời cũng nên kiềm chế bớt dục vọng lại.
Tôi không nói rõ được là tại sao, tóm lại là khi nhìn thấy dáng vẻ vồ vập ấy của nàng, trong lòng tôi rất khó chịu. Đương nhiên khi đã làm tình thì mọi thứ đều tan biến như bong bóng xà phòng.nói thực lòng nàng rất giỏi. Nàng đã từng hỏi tôi những kỹ thuật ấy học được ở đâu. Tôi nói học trong đĩa sex. Nàng khen tôi cứ như một tay dạn dày kinh nghiệm vậy. Thực ra, tôi cũng rất muốn hỏi những trò này nàng học ở đâu ra, có phải là từ những người bạn trai trước đây haykg, nhưng mãi mà vẫn không dám hỏi. Tôi chỉ tự gạt bản thân, cứ coi như mình là người đàn ông đầu tiên của nàng, nhưng khi chúng tôi làm chuyện ấy tôi đột nhiên sực tỉnh, biết được rằng trên người nàng đã từng có người đàn ông khác. Thậm chí tôi còn nghĩ, không biết lúc này nàng đang nghĩ tới tôi hay người nào khác. Những ý nghĩ thoáng qua đó khiến tôi rất bức bối.
Tôi không thể sở hữu quá khứ của nàng, đây là một sự thật, cũng là nỗi đau mà tôi không thể che giấu. Tôi bắt đầu phản cảm với chuyện chúng tôi vừa gặp nhau đã lao vào nhau như điên, như dại thế này.
 - Em có thích công việc hiện nay của mình không?
Tôi thử dò hỏi.
 - Hồi trước thì không thích, bây giờ thấy cũng bình thường. Sao thế?
 - Công việc này không hợp với em chút nào. Thứ nhất, thường xuyên thức đêm sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, sẽ rất mau già. Thứ hai, em không thể làm mãi công việc này được. Đàng nào cũng phải chuyển nghề, chi bằng chuyển luôn từ bây giờ đi.
Tôi đề nghị.
 - Em đã già rồi. Em rất sợ sau này khi cùng anh đi trên phố, hoặc cùng ăn cơm với bạn bè, tất cả mọi người đều nhìn chằm chằm vào em, giống như nhìn một tội phạm vậy. Em cũng đã nghĩ rồi, làm thêm mấy năm nữa, kiếm được chút tiền, em sẽ đầu tư làm việc khác.
Nàng có vẻ không vui, ngồi dậy mặc quần áo lại, nhưng mặc được một nửa đã dừng lại, quay lưng về phía tôi nói:
  -  Có phải anh thấy chỗ đó rất nhơ bẩn không?
 - Không phải vậy, anh chỉ cảm thấy em nên làm những việc thích hợp với mình hơn mà thôi. Tiền ấy à, biết bao nhiêu cho đủ đây?
Tôi đáp qua loa.
 - Em đã bảo mà, thế nào cũng có một ngày anh thấy chán ghét em.
Nàng vẫn quay lưng về phía tôi.
Tôi kéo nàng lại, nhìn thấy vẻ đau đớn, thất vọng trên gương mặt xinh đẹp, bèn nói:
- Anh chỉ nghĩ cho tương lai của chúng ta mà thôi.
Nàng né tránh ánh mắt của tôi, khẽ gạt cánh tay tôi sang một bên.
- Đừng nghĩ nữa, anh chưa cần phải nghĩ đến tương lai đâu. Chúng ta rất khó có một tương lai tốt đẹp.
- Tại sao?
Tôi bắt đầu nổi cáu.
 - Anh và em đều hiểu rất rõ. Người nhà anh chắc chắn sẽ không đồng ý. Dù anh trai em suốt ngày thúc giục em kết hôn, nhưng em cũng không biết nói với anh ấy thế nào về mối quan hệ của chúng ta. Chúng ta không thể được đâu, ngay từ đầu em đã biết là không được rồi.
 - Vậy tại sao em vẫn đến với anh?
Tôi không tin những lời nàng vừa nói.
 - Em quá cô đơn, khi thấy anh, em không thể tự kiềm chế được mình.
Có vẻ như nàng sắp khóc.
Tôi kéo nàng về phía mình, nhận ra khóe mắt nàng lấp lánh ánh lệ, nhưng chỉ một thoáng rồi biến mất. Tôi vuốt ve khuôn mặt nàng, phát hiện nàng thật sự đã già, già hơn tôi rất nhiều. Phát hiện này làm cho tôi giật mình kinh hãi, nhưng không muốn làm nàng thất vọng:
- Em yêu, nếu em đợi được, chỉ cần anh tốt nghiệp, chúng ta sẽ kết hôn ngay, được không?
Nàng nhìn thẳng vào mắt tôi, nhưng không trả lời ngay. Sau đó, cuối cùng nàng cũng rơi nước mắt, khe khẽ gật đầu.
Tôi đã nghĩ rất kỹ, thực tế thì chúng tôi có quá nhiều điểm không hợp nhau. Tôi cũng không thuộc loại có tính cách ưa mạo hiểm, tôi thích thuận theo tự nhiên, nước lên thì thuyền lên. Kể từ hôm đó, tôi chỉ mong thời gian trôi thật nhanh. Nhưng cũng có lúc, tôi mong thời gian chậm lai. Tôi bắt đầu thấy đau khổ, dằn vặt khi ở bên nàng. Tuy nàng rất đẹp, nhưng tôi không có cách nào nói với tất cả mọi người rằng nàng là bạn gái của tôi. Đây là do cái thói hư vinh của tôi mà ra. Suy cho cùng thì tôi vẫn còn là một kẻ theo đuổi sự hoàn mỹ.
Tôi cũng đã nghĩ đến chuyện nghỉ học nhưng nàng không đồng ý. Nàng nói:
- Anh thử nghĩ xem, dù thôi học thì anh cũng mới mười tám tuổi, sang năm mười chín tuổi, ba năm nữa anh hai mươi hai tuổi, mới đến tuổi kết hôn. Lúc ấy, anh cũng tốt nghiệp đại học rồi.
Tôi chưa bao giờ hỏi nàng bao nhiêu tuổi, nhưng hôm ấy thì nàng nói ra.
  - Năm nay em đã hai mươi sáu tuổi, bốn năm nữa thì em ba mươi, già thật rồi. Đến lúc ấy, anh không cần em thì em chẳng biết phải làm thế nào nữa.
Tôi liền an ủi:
 - Em có sáu mươi tuổi đi chăng nữa thì trong mắt anh, em vẫn là người đàn bà trẻ nhất, đẹp nhất.
Thực chất thì kể từ khi nói đến chuyện hôn nhân, tôi đã có tâm lý chán ghét hôn nhân rồi. Tôi chưa từng nghĩ rằng mình sẽ kết hôn sớm như vậy. Lúc đó, tôi mới chỉ vừa tốt nghiệp, tôi đâu có gì để kết hôn với nàng chứ?
  -  Em sẽ làm việc này thêm bốn năm nữa, đợi anh tốt nghiệp thì sẽ không làm nữa. Lúc ấy, em cũng kiếm đủ tiền cho hai chúng ta rồi.
Nàng an ủi. Tôi nói:
 - Không cần, thật sự không cần nhiều tiền như vậy. Tiền kết hôn của anh, bố mẹ và ông bà ngoại đã chuẩn bị từ lâu lắm rồi. Anh chỉ cần tình cảm của em thôi.
- Không được, anh không thể lấy tiền của họ được. Tiền của chúng ta, chúng ta tự kiếm.
Nàng cương quyết nói.
Đây là kiểu nói gì vậy? tôi biết, thực ra ý nàng là, lúc ấy nàng già rồi, nhưng nàng có thể dùng tiền để bù đắp lại chuyện đó.
Chúng tôi vẫn tiếp tục yêu nhau trong bí mật. Cứ cuối tuần chúng tôi lại gặp nhau. Nếu hôm nào tôi buộc phải về nhà thì hai chúng tôi cũng dính chặt với nhau đến tận mười giờ tối mới tách ra. Có hôm, mới thứ tư, thứ năm mà nàng đã đến tìm tôi đòi đi hóng gió. Vào những lúc đó, tôi học lái xe. Học xong cái món này, không hiểu sao tôi rất muốn được bay. Tôi đưa nàng lên đường cao tốc, phóng như điên, làm nàng cứ rú lên không ngớt. Tôi cảm thấy rất hưng phấn. Thì ra cảm giác hưng phấn là như vậy đấy. Tôi nói:
  -  Sau khi tốt nghiệp, anh nhất định sẽ mua một chiếc xe, tốt nhất là chúng ta sống ở ngoại ô, ngày nào cũng lái xe đi làm, hoặc là em ở nhà sinh con cho anh, không cần làm gì cũng được, một mình anh đi làm là đủ rồi. Nếu em thấy buồn chán thì giao việc đưa đón con cho em làm, hàng ngày cứ vui vẻ, thoải mái lái xe ở đây, ngắm phong cảnh hai bên đường, giống như là đi tản bộ vậy.
Nàng mỉm cười, nói nàng cũng rất thích như vậy.
Cảm giác lúc đi hóng gió khiến tôi nảy sinh ý nghĩ trái ngược với chính mình trước đó. Tôi nói với Âu Dương:
- Người ta ai ai cũng nói chúng ta không hợp nhau, tất cả đều vì khoảng cách tuổi tác mà thôi, nhưng tuổi tác là cái quái gì chứ, đó chỉ là thiên kiến của những kẻ tầm thường. Kể từ ngày mai anh sẽ tuyên bố cho toàn thế giới biết, em là bạn gái của anh, là vợ tương lai của anh.
Nàng gượng cười, lắc đầu phản đối:
 - Người nhà anh chắc chắn sẽ không đồng ý đâu, chúng ta tạm thời không nhắc đến chuyện này nữa được không?
Tôi cương quyết nói:
 - Không được, cứ như vậy anh sẽ sinh bệnh mất.
Nàng ôm lấy khuôn mặt tôi, dịu dàng nói:
-
Nghe lời em đi, kinh nghiệm cho em biết sẽ không có ai ủng hộ chúng ta đến với nhau đâu, anh nhất định phải nhẫn nại, đợi khi anh tốt nghiệp, chúng ta kết hôn, anh có tuyên bố cũng chưa muộn.
Tôi nói:
  -  Lúc đó, nếu họ vẫn không đồng ý thì sao?
Nàng nói như đinh đóng cột:
Lúc ấy, chỉ cần anh vẫn muốn lấy em thì chúng ta không cần sợ gì nữa. Chúng ta có thể ra nước ngoài sống, đến lúc đó thì tiền em kiếm được cũng đủ cho chúng ta sống một thời gian khá dài rồi.
Có lẽ ai ai cũng có một phần tính cách mạo hiểm trong người. Tôi vốn tưởng rằng mình sẽ không bao giờ làm chuyện mạo hiểm, ấy vậy mà giờ đây lại lấy chuyện mạo hiểm làm vui. Tình yêu đúng là làm cho người ta điên cuồng!