ai người lại bắt đầu cãi vã, bố tôi còn đánh mẹ nữa. Lúc ấy mẹ tôi không ngờ rằng bố lại ra tay đánh mình nên càng thương tâm hơn, kiên quyết dẫn tôi trở về thành phố. Về sau hai người còn đòi ly hôn. Bố tôi nói mẹ không có nhân tính, không có tình người. Mẹ tôi bảo là sống với người như bố tôi rất uất ức, rất khổ sở. Vừa hay lúc đó lại có người tán tỉnh mẹ, hình như hồi ấy mẹ còn ngoại tình nữa. Cũng may là sau đó có ông bà ngoại kịp thời khuyên giải mới cứu vãn được cuộc hôn nhân của hai người. Chuyện này đã làm tổn thương tới bố tôi. Từ khi tôi hiểu chuyện đến nay, bọn họ không còn nhắc đến nó nữa, không ngờ hôm nay lại lôi ra. Ý của bố tôi là mẹ tôi là một người không có đầu óc, hơn nữa lại chuyên quyền, độc đoán trong việc giáo dục tôi, làm cho giờ đây tôi biến thành một thứ phế phẩm, hết thuốc chữa. Chắc là mẹ tôi rất sợ người khác nhắc đến chuyện này cho nên khi bố tôi nói được một lúc thì không chịu nổi, bắt đầu lớn tiếng chửi lại. Mẹ nói mình tự tư đấy, ngang ngược đấy, nếu bố thấy không chịu được thì cứ mà đi tìm người khác, bà sẽ ly hôn với ông. Mẹ còn nói, bà tráo bài thi là không đúng, nhưng bà chỉ mong tôi qua được kỳ thi đó, vậy thì có gì là sai chứ. Từ đầu đến cuối mẹ vẫn không mắng tôi một câu nào. Mẹ không biết mình đã sai, lại còn ngang ngược cãi lại. Tôi cảm thấy lúc hai người cãi nhau thật không giống hai người lớn, mà như hai đứa trẻ con, một đứa cứ nắm chặt bím tóc của đứa kia không chịu buông ra. Bọn họ gạt chuyện của tôi sang một bên, bắt đầu kể lể quá khứ dài dằng dặc của mình ra, quá khứ này đã làm thương tổn đến tâm hồn yếu đuối của họ, làm cả hai đều phải đau khổ, mang nặng vết thương lòng. Nước mắt đã đầm đìa trên gương mặt mẹ. Tuy bố vẫn thế, nhưng tôi biết nước mắt cũng đang chảy trong lòng ông. Đúng là bi kịch! Có một số chuyện, đối với họ, không thể tha thứ, đối với tôi lại chẳng đáng nhắc đến. Nhưng những chuyện mà tôi cho là không thể nhịn được thì dường như họ lại chẳng hề để bụng. Ví dụ như mẹ tôi từng ngoại tình, đối với tôi mà nói thì đây là chuyện không thể tha thứ được, nhưng bố lại nhẫn nhịn, đơn giản chỉ vì ông yêu mẹ tôi. Tôi thật không hiểu nổi, vì yêu, con người ta có thể bỏ cả lòng tự ái của mình sao? Ví dụ, mẹ tôi lấy bố tôi là vì ông thực thà, thận trọng, đáng tin cậy, là người có thể gửi gắm cả đời, chứ không nói là có yêu bố hay không, trong con mắt của tôi, đây có thể nói là một sự thương tổn, thậm chí là sỉ nhục, nhưng hai người bọn họ lại cho rằng như vậy rất tốt. Đương nhiên, mẹ tôi đã từng khẳng định là yêu bố thật, bởi vì mẹ đã bị những bài thơ của bố làm cho cảm động, mà thơ thì có sức sát thương rất lớn, nó chạm đến những phần nhỏ bé sâu kín nhất trong tâm hồn con người, một khi đã bị thương rồi thì mãi mãi cũng không thể nào lành được. Có thể đúng như bố mẹ đã nói, tôi và bố mẹ thuộc hai thế hệ khác nhau, tôi còn quá trẻ, còn chưa hiểu biết tình cảm của họ, có lẽ đúng là vậy, tôi cũng hy vọng là vậy, nếu không tôi sẽ khuyên họ ly hôn ngay lập tức. Không biết đã bao nhiêu lần, họ nổi giận đùng đùng, thề sống thề chết là phải ly hôn, nhưng cuối cùng ngọn lửa chiến tranh ấy cũng từ từ được dập tắt, mà lần nào họ cũng nói là vì tôi. Thật sự vì tôi sao? Tôi không gánh nổi trọng trách đó đâu. Thôi được rồi, để tôi hóa giải cơn giận của hai đấng sinh thành vậy, nếu không, chắc sẽ dẫn đến kết cục “lưỡng bại câu thương” mất. Tôi vào toilet rửa mặt, định chải lại đầu thì mới nhận ra tóc mình đã bết lại thành một cục rối bù. Lúc tôi không có mặt ở đó, cơn giận của hai người cũng từ từ nguôi đi, chí ít là cũng không còn giận dữ như lúc nãy nữa. Không có thính giả, có lẽ họ đã ít nhiều mất đi hứng thú. Tôi rửa mặt qua loa rồi nhanh nhẹn bước ra, thời cơ đã chín muồi. Bố và mẹ đang tạm thời đình chiến, đồng thời cũng soát lại trong ký ức để tìm thêm tội trạng của đối phương. Tôi lớn tiếng nói: - Đừng nói nữa, bố mẹ thử nghĩ xem làm cách nào để dẹp được lửa cháy bên phía trường học đã. Lòng tự tôn của bố rất lớn, vừa nghe vậy đã quát lên: - Tự làm thì tự chịu. Tôi cười cười trêu chọc: - Được rồi, bố, tha được thì tha cho người ta đi. Chuyện này vốn chẳng liên quan gì đến con, con là người bị hại, chuyện này vốn cũng chẳng liên quan gì đến mẹ, mẹ cũng là người bị hại. Chỉ có bố là người tốt thôi, bây giờ không xuất hiện đi, còn đợi lúc nào nữa. Đừng giả bộ nữa, đến đây nào, con ngồi giữa, hai người đoàn kết lại ngồi hai bên, cả nhà chúng ta cùng nghĩ về tương lai tươi sáng nào! Lời này vừa nói ra, bố tôi đã muốn cười. Lúc đầu không phải ông giả bộ, mà là tức giận thật, nhưng về sau, khi hết giận thì không xuống nước được, tôi nói như vậy, tức là đã mở đường cho ông đi xuống, nên muốn cười cũng là chuyện tất nhiên thôi. Có điều ông vẫn ra vẻ cứng rắn. Tôi chỉ đưa tay kéo khẽ một cái là bố đã ngoan ngoãn ngồi xuống bên cạnh rồi, nhưng vẫn tỏ ra giận dữ. Hồi nhỏ tôi cũng vậy, nhưng mỗi lúc như vậy, bố mẹ thường dỗ dành tôi: - Con xem này, xem này, cười rồi, cười rồi! Thế là tôi không nhịn được, bật cười khanh khách. Tôi nghĩ bố mẹ là người lớn không thể làm như vậy được, bèn cười cười, nói: - Cũng coi như có chút thành ý. Em nữ kia, lại đây. Nói em đấy! em xem mình xinh đẹp thế kia, sao động một chút là đã nước mắt ngắn, nước mắt dài thế, vậy thì làm sao mà lớn nổi. Lại đây! Mẹ tôi cười phá lên, bà lại gần, gõ nhẹ lên đầu tôi một cái. Thế là tốt rồi. Tôi nói: - Bây giờ nghe con nói đây. Con hy sinh một lần, con vẫn đi học, chịu đựng xấu hổ trước mặt bạn bè cũng được, nhưng mẹ thì không đến nỗi không đi làm được, đúng không? Bố tôi giờ mới lên tiếng: - Có bao nhiêu người biết chuyện này? Câu này tất nhiên là hỏi mẹ tôi. Bà thở hắt ra một hơi, đáp: Hiệu trưởng. Tổ trưởng tổ cao Trung năm thứ ba và tôi nữa. Trận phong ba được dẹp yên. Hiệu trưởng là học trò của ông ngoại, tết năm nào cũng đến thăm ông. Tổ trưởng tổ cao trung năm thứ ba là bạn học đại học của bố, một kế hoạch đã được triển khai. Tối hôm ấy, hiệu trưởng, tổ trưởng, ông ngoại và bố mẹ tôi họp mặt bàn luận, chỉ trong thời gian chừng một bữa cơm, họ đã cứu được mẹ và tôi. Lúc ấy, tôi đang ngồi chơi trò Anh hùng xạ điêu trên máy tính, càng nghĩ lại càng bực mình. Tôi vẫn đi học bình thường, mẹ cũng vẫn đi làm như trước. Hiệu trưởng tuyên dương tôi trước đại hội, nói tôi đã phát huy “tinh thần Lôi Phong”, nhường xuất cử đi học này cho bạn khác, còn mình thì vẫn tham gia đi thi đại học để khảo nghiệm năng lực bản thân. Họ đã biến tôi từ một tên tội đồ thành anh hùng. Những ngày sau đó, tôi cũng sống tử tế hơn, cả ngày chỉ cắm đầu vào học hành. Hôm thi đại học, không hiểu sao, đột nhiên tôi không ngủ được. Cái mác anh hùng làm tôi mang thêm một áp lực nặng nề. Kết quả, thành tích của tôi không được như ý lắm, còn kém mười điểm mới vào được trường trọng điểm. Với tôi thì điều đó chẳng có gì quan trọng, chỉ cần có trường học là được rồi, tốt nhất là vào trường nào ở ngoài tỉnh, xa hẳn cái nhà này. Nhưng mẹ tôi vẫn không cam tâm, từ trước đó, mẹ đã khoe với người ta là tôi nhất định vào được đại học Nam Kinh rồi. Mẹ lại đi tìm ông ngoại. Ông ngoại gọi một cú điện thoại cho Phó chủ tịch tỉnh phụ trách về giáo dục, thế là tôi trở thành sinh viên đại học Nam Kinh. Những chuyện đó làm tôi thấy rất thất vọng về xã hội này. Tôi vốn tưởng rằng người khác không “sạch sẽ”, thường hay dùng những thủ đoạn không trong sạch để mưu cầu lợi ích, nhưng đấy là chuyện của người ta, còn nhà tôi thì khác. Ông ngoại tôi là Viện sĩ, giáo sư, tiến sĩ, đức cao vọng trọng, xưa nay chưa từng tham dự vào chuyện chính trị, cũng không có bất cứ liên hệ gì với người bên ngoài giới học thuật, bố tôi là tác gia lâu năm, xưa nay luôn chính trực, công bằng, còn được mời làm giáo sư giảng dạy ở đại học Nam Kinh nữa, mẹ tôi cũng là một giáo viên, dạy con người ta đọc sách, làm người, thật không ngờ khi dính dáng đến lợi ích của mình, họ đã quên sạch những gì gọi là công bằng với chả công lý. Còn cả tôi nữa, tôi vốn tưởng rằng mình không liên quan gì đến những hành vi ấy của họ, không ngờ cuối cùng tôi lại là kẻ hưởng lợi nhiều nhất. Nói một cách công bằng, bố tôi là người đứng đắn nhất. Ông luôn tỏ ra bất mãn trước những việc làm của mẹ, ông cho rằng như thế là hại tôi, cho rằng tôi vào trường đại học nào cũng được, không nhất thiết phải vào trường đại học Nam Kinh làm gì. Bố vẫn còn rất áy náy về chuyện tráo bài thi lần trước. Nhưng mà tôi lại hơi coi thường bố, ở trong cái nhà này, bố chẳng có quyền uy gì hết, nguyên nhân thì chỉ có một, chính là vì ông quá yêu mẹ tôi, đâm ra chiều mẹ, vì thế mẹ muốn gì là được nấy, bố chịu, không thể nào cản nổi. Trên thực tế, không chỉ mình bố nuông chiều mẹ quá đáng, còn có cả ông ngoại nữa. Một người đàn bà sống trong hoàn cảnh được nuông chiều như thế thì làm gì còn đủ khả năng phân biệt phải quấy, đúng sai. Vì những lý do đó mà tôi muốn rời xa cái nhà này, ít nhất là bớt tiếp xúc với họ đi. Bố tôi là tác gia, tức là người cả ngày ở nhà làm việc. Có ông ở nhà thì tôi càng chẳng muốn về nhà nữa. Bạn biết đấy, mùa hè ở đây nóng khủng khiếp. Mồ hôi đầm đìa. Ban đêm nằm trên giường được một lát đã thấy khắp người ướt đẫm. Nếu ngủ trên chiếu trúc thì lúc dậy, bạn sẽ thấy cả người mình bị hằn lên. Những đêm không ngủ được, tôi lại cảm thấy đời người thật vô vị. Đọc bao nhiêu sách chỉ để lên được đại học, bây giờ vào đại học rồi đấy, nhưng phiền não tích tụ trong bấy nhiêu năm cũng theo đó mà tuôn ra hết một lượt. Cả mùa hè, tôi mặc đủ loại quần đùi và một chiếc t-shirt màu đen, đeo kính râm, đi loăng quăng trên phố. Tôi rất sợ gặp người quen, vì gặp người quen là họ sẽ hỏi tôi thi bao nhiêu điểm, vào trường nào rồi. Tôi chỉ cần nói vào đại học Nam kinh là bọn họ sẽ tròn mắt ngạc nhiên hỏi: - Điểm vào đại học Nam Kinh bây giờ thấp thế sao? Thật làm mất cả hứng!